image banner



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Hoạt động KH&CN ngành Công Thương: Tập trung hỗ trợ phát triển sản phẩm của doanh nghiệp theo chuỗi giá trị

Trong năm vừa qua, việc triển khai công tác về hoạt động Khoa học công nghệ của Bộ Công Thương đã được triển khai một cách chủ động, tích cực, hiệu quả. Công tác tổ chức thực hiện kế hoạch năm 2021 cũng có những bước điều chỉnh phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, ngành Công Thương nói riêng, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, bùng phát trên diện rộng.

Theo báo cáo của Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, năm 2021 là năm đầu tiên của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030. Do đó, hoạt động KH&CN ngành Công Thương năm 2021 tập trung giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm, có tính bản lề cho giai đoạn tiếp theo, gồm: Xây dựng chiến lược, chính sách về KHCN & ĐMST ngành Công Thương giai đoạn 2021 - 2030; Tổ chức xây dựng và triển khai các chương trình, đề án KH&CN cho giai đoạn 2021 - 2030, trong đó ưu tiên đẩy mạnh các Chương trình cấp quốc gia (trong các lĩnh vực: ứng dụng công nghệ 4.0 và phát triển sản xuất thông minh; công nghiệp công nghệ cao; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; khai thác và chế biến khoáng sản; phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp ưu tiên; công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến; nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm), những nhiệm vụ KH&CN có quy mô lớn, theo cụm nhiệm vụ để giải quyết những vấn đề cấp thiết, trọng điểm; Tổ chức triển khai “Đề án Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến 2025, định hướng đến năm 2030”; Chương trình phối hợp về KH&CN giữa Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ (giai đoạn 2021 - 2025); Xây dựng Đề án cơ cấu các tổ chức KH&CN trực thuộc Bộ Công Thương giai đoạn 2021 - 2030 gắn với Quy hoạch của quốc gia về mạng lưới KH&CN giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, Chiến lược quốc gia về phát triển KHCN&ĐMST giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng phát triển, tái cơ cấu ngành giai đoạn 2021 - 2030.

Các nhiệm vụ KH&CN được đặt hàng triển khai năm 2021 chú trọng vào hỗ trợ phát triển sản phẩm của doanh nghiệp theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp.

Công tác tiêu chuẩn, đo lường và sở hữu trí tuệ liên tục được đổi mới, hoàn thiện đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, từng bước thiết lập hệ thống hàng rào kỹ thuật bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước; hỗ trợ các doanh nghiệp cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, tính mạng con người, góp phần thực thi các các Hiệp định thương mại đa phương, song phương.

Đáng chú ý, năm 2021, Vụ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ các đơn vị trong Bộ xây dựng, thẩm tra 07 Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) thuộc Chương trình xây dựng văn bản Quy phạm pháp luật năm 2021 của Bộ Công Thương. Các QCVN này thuộc Lộ trình hoàn thiện hệ thống TCVN, QCVN đến năm 2025 đã được Bộ trưởng phê duyệt, thuộc lĩnh vực khai thác khoáng sản và thiết bị đặc thù công nghiệp có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Việc xây dựng và ban hành các QCVN này nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và công cụ quản lý cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo vệ các mục tiêu quan trọng như an toàn, sức khỏe cho người tiêu dùng, người lao động, các lợi ích kinh tế - xã hội... theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Bên cạnh đó, Vụ đã tham mưu Lãnh đạo Bộ ban hành Quyết định số 1182/QĐ-BCT về danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương theo nguyên tắc tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, đảm bảo tính pháp lý đầy đủ và đảm bảo các yêu cầu cần thiết của quản lý nhà nước trong từng thời kỳ.

Đối với công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và an toàn sinh học, Vụ tiếp tục tập trung vào công tác tham mưu chỉ đạo điều hành và hoàn thiện chính sách pháp luật phục vụ quản lý an toàn thực phẩm, như: rà soát, đánh giá, tổng hợp ý kiến vướng mắc trong thực hiện Luật an toàn thực phẩm; thống kê, cập nhật đầy đủ và chính xác dữ liệu các quy định liên quan trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, tính chi phí tuân thủ và rà soát các quy định trên hệ thống phần mềm nghị quyết 68 theo phạm vi chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm,... để nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước; tiến hành rà soát, triển khai xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý; đồng thời tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm.

Kết quả thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm đã phát huy được hiệu quả, phát hiện, ngăn chặn được nhiều vụ vi phạm góp phần vào việc bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh ngày càng được nâng lên.

Bộ Công Thương cũng đã tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xây dựng Chương trình phối hợp “tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025” nhằm huy động nguồn lực của xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm cơ sở nhỏ lẻ, hộ cá thể.

Với mục tiêu nỗ lực thực hiện tốt công tác tham mưu, hoàn thiện cơ chế chính sách, triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch công tác đã đề ra và chỉ đạo, phân công của Lãnh đạo Bộ, trong năm 2022, Vụ Vụ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tham mưu xây dựng định hướng, chính sách, quy định về KHCN & ĐMST, an toàn thực phẩm; công nghệ sinh học; an toàn sinh học; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm; sở hữu trí tuệ trong ngành công nghiệp và thương mại.

Tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong tổ chức thực hiện công tác trên cơ sở cải tiến, chuẩn hóa quy trình, thủ tục xử lý công việc; đảm bảo tính đồng bộ, xuyên suốt về thông tin, phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành, xử lý công tác trong nội bộ của Vụ và với các đơn vị bên ngoài.

Đặc biệt, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý KH&CN; Xây dựng các cơ sở dữ liệu quản lý KH&CN; Xây dựng hệ thống thông tin kết nối với hệ thống thông tin của các đơn vị chủ trì nhiệm vụ, hệ thống thông tin KH&CN quốc gia để nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong thực hiện các nhiệm KH&CN.

Cơ quan chủ quản: Sở Công Thương tỉnh Nam Định
Địa chỉ: Số 31- đường Vị Xuyên – TP Nam Định
Số điện thoại đường dây nóng: 02283.640.478; Email: socongthuong@namdinh.chinhphu.vn 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đặng Ngọc Rung - Phó Giám đốc.
Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định số 03/GP-TTĐT-STTTT ngày 26/10/2023.

  
Chung nhan Tin Nhiem Mang