Thí điểm thực hiện
dự án nhà ở thương mại
Ngày 30/11/2024, Quốc hội ban hành Nghị quyết số
171/2024/QH15 về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận
về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Nghị quyết
171/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2025 và được thực hiện trong 5
năm.
Theo đó, tại khoản 3 Điều 3 Nghị quyết 171/2024/QH15 nêu
rõ, tổ chức kinh doanh bất động sản được nhận chuyển quyền sử dụng đất, chuyển
mục đích sử dụng đất đối với đất nông nghiệp để thực hiện dự án thí điểm phải
được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua.
Các dự án thí điểm phải áp ứng điều kiện như phạm vi khu
đất, thửa đất thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc
quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án
phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê
duyệt.
Các tổ chức kinh doanh bất động sản phải đáp ứng các điều
kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản,
đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Riêng trường hợp sử dụng diện tích đất quốc phòng, đất an
ninh đã được quy hoạch đưa ra khỏi đất quốc phòng, đất an ninh để thực hiện dự
án thí điểm thì phải đáp ứng các điều kiện trên và có văn bản chấp thuận của Bộ
Quốc phòng đối với đất quốc phòng, Bộ Công an đối với đất an ninh.
Quy định về
nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà
nước 2026 – 2030
Nghị quyết số 70/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc
hội quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn
ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 – 2030. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành
từ ngày 1/4/2025.
Theo Nghị quyết, việc phân bổ vốn phải bảo đảm tập
trung, hiệu quả, không dàn trải, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã
hội quốc gia.
Nguyên tắc phân bổ gồm: Tuân thủ Luật Đầu tư công, Luật
Ngân sách nhà nước; tăng cường huy động vốn ngoài ngân sách, giảm các thủ tục
hành chính; ưu tiên các dự án quan trọng quốc gia, các công trình hạ tầng giao
thông, kết nối vùng, chuyển đổi số, năng lượng, an ninh nguồn nước; đảm bảo
tính công khai, minh bạch trong phân bố.Thứ tự phân bổ vốn được xác định như
sau:
Dự án đầu tư công khẩn cấp; Chương trình mục tiêu quốc
gia, dự án quan trọng quốc gia; Hoàn trả vốn ứng trước, thanh toán nợ đống xây
dựng; Dự án hoàn thành nhưng chưa được bố trí đủ vốn; Chương trình sử dụng vốn
ODA, vốn vay ưu đãi quốc tế; Dự án PPP theo quy định về đầu tư đối tác công tư.
Nghị quyết cũng quy định các tiêu chí và định mức phân
bổ vốn ngân sách trung ương, vốn địa phương, vốn trong nước và vốn nước ngoài
giai đoạn 2026 - 2030. Theo đó, các địa phương vùng miền núi, biên giới, hải
đảo sẽ được ưu tiên phân bố vốn để thu hẹp khoảng cách phát triển.
Về định mức phân bổ vốn giai đoạn 2026 – 2030, sẽ dành
tối đa không quá 30% vốn ngân sách Trung ương để bổ sung có mục tiêu cho địa
phương và được phân bổ theo ngành, lĩnh vực (không bao gồm vốn các dự án thuộc
Chương trình mục tiêu quốc gia và vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước
ngoài).
Mức vốn ngân sách Trung ương còn lại được phân bổ cho các
bộ, cơ quan Trung ương theo ngành, lĩnh vực. Các bộ, cơ quan Trung ương chịu
trách nhiệm phân bổ cụ thể cho các chương trình, dự án theo đúng quy định của
pháp luật và theo các nguyên tắc, thứ tự ưu tiên quy định tại Nghị quyết này.
Quy định mới
về phí duy trì hệ thống kiểm tra chứng thư chữ ký số
Chính phủ ban hành Nghị định 23/2025/NĐ-CP quy định về
chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy. Nghị định 23/2025/NĐ-CP quy định về chữ ký
điện tử và dịch vụ tin cậy, trừ chữ ký số chuyên dùng công vụ và dịch vụ chứng
thực chữ ký số chuyên dùng công vụ. Nghị định 23/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi
hành từ ngày 10/4/2025.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 13/2025/TT-BTC về
quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dịch vụ duy trì hệ
thống kiểm tra trạng thái chứng thư chữ ký số. Thông tư có hiệu lực từ ngày
10/4/2025.
Theo đó, đối tượng nộp phí, người nộp phí là các tổ chức
có giấy phép kinh doanh dịch vụ tin cậy. Đối với giấy phép chứng thực chữ ký số
công cộng còn hiệu lực theo Luật Giao dịch điện tử 51/2005/QH11, tổ chức được
cấp phép vẫn phải thực hiện nghĩa vụ nộp phí.
Mức thu phí dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng là
3.000 đồng/tháng/chứng thư chữ ký số cấp cho tổ chức, doanh nghiệp; dịch vụ cấp
dấu thời gian, chứng thực thông điệp dữ liệu là 4.200.000 đồng/tháng/chứng thư
chữ ký số cấp cho tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy.
Thời gian tính phí từ tháng chứng thư có hiệu lực đến
tháng trước khi hết hạn, bị tạm dừng hoặc thu hồi.
Về quản lý và sử dụng phí, tổ chức thu phí được giữ lại
85% để trang trải chi phí hoạt động, nộp 15% vào ngân sách nhà nước. Nếu tổ
chức thu phí là cơ quan nhà nước không được khoán chi, toàn bộ số phí thu được
sẽ nộp ngân sách.
Quy định về
quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước
Chính phủ ban hành Nghị định 44/2025/NĐ-CP quản lý lao
động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước.
Theo đó, quy định về quản lý lao động, tiền lương, thù
lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước, bao gồm:
- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo
quy định tại khoản 2 Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ
hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 88 Luật
Doanh nghiệp 2020.
Nghị định 44/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày
15/4/2025. Các chế độ quy định tại Nghị định này được thực hiện từ ngày
01/01/2025.
Quản lý kinh
phí hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững
Thông tư số 09/2025/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn
cơ chế quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện “Chương trình
hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 – 2025”
có hiệu lực từ ngày 20/4/2025.
Thông tư 09/2025/TT-BTC quy định các nội dung chi nhằm
phát triển hệ sinh thái hỗ trợ kinh doanh bền vững, bao gồm: Xây dựng tài liệu
về kinh doanh bền vững; kết nối doanh nghiệp với tổ chức tín dụng, nhà đầu tư;
chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về kinh doanh bền vững; bồi dưỡng nâng cao nhận
thức; xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
phát triển bền vững.
Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh
doanh bền vững theo Chương trình 167 và quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP
về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật hỗ trợ doanh
nghiệp nhỏ và vừa. Các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm xác định nội
dung và đối tượng hỗ trợ theo đúng quy định. Việc xác định chi phí, kinh phí hỗ
trợ và cơ chế hỗ trợ thực hiện theo Thông tư số 52/2023/TT-BTC. Mức hỗ trợ ngân
sách cho từng nội dung áp dụng theo định mức cao nhất quy định tại Nghị định số
80/2021/NĐ-CP.
Quy định phí bảo lãnh ngân hàng từ ngày 01/4/2025
Ngày 31/12/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
Thông tư 61/2024/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng.
Theo đó quy định phí bảo lãnh ngân hàng từ ngày 01/4/2025
như sau:
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa
thuận mức phí bảo lãnh đối với khách hàng và các bên liên quan (nếu có) và phải
niêm yết công khai mức phí bảo lãnh.
- Trường hợp thực hiện đồng bảo lãnh, các bên tham gia
đồng bảo lãnh thỏa thuận mức phí bảo lãnh cho mỗi bên đồng bảo lãnh.
- Trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài bảo lãnh cho một nghĩa vụ liên đới thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân
hàng nước ngoài thỏa thuận với từng khách hàng về mức phí phải trả trên cơ sở
nghĩa vụ liên đới tương ứng của mỗi khách hàng, trừ trường hợp các bên có thỏa
thuận khác.
- Trường hợp đồng tiền bảo lãnh là ngoại tệ, các bên thỏa
thuận thu phí bảo lãnh bằng ngoại tệ hoặc quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá
bán của bên bảo lãnh tại thời điểm thu phí hoặc tại thời điểm thông báo thu
phí.
- Các bên có thể thỏa thuận điều chỉnh mức phí bảo lãnh.
Như vậy, điểm mới của Thông tư 61/2024/TT-NHNN so với Thông tư 11/2022/TT-NHNN về phí bảo lãnh ngân hàng là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng
nước ngoài phải niêm yết công khai mức phí bảo lãnh.
Hệ thống chỉ tiêu về điều kiện lao động từ ngày 01/4/2025
Ngày 11/02/2025, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội ban hành Thông tư 03/2025/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động.
Theo đó, hệ thống chỉ tiêu về điều kiện lao động và cách
tính điểm trong phân loại lao động theo điều kiện lao động tại Phụ lục I ban
hành kèm theo Thông tư 03/2025/TT-BLĐTBXH.
Một số điểm lưu ý khi sử dụng bảng chỉ tiêu:
- Các số liệu của nhóm yếu tố đánh giá về vệ sinh môi
trường lao động, Ecgônômi - tổ chức lao động cần được tập hợp ở 3 thời điểm
thích hợp
- Các số liệu của nhóm yếu tố đánh giá tác động về tâm
sinh lý lao động cần được tập hợp cùng một ca (đối với trường hợp có nhiều ca
trong ngày) ở 3 thời điểm thích hợp.
- Các chỉ tiêu tâm sinh lý cần được thu thập từ những thử
nghiệm có thiết kế hợp lý và dụng cụ phương tiện đảm bảo độ chính xác theo yêu
cầu.
Thông tư 03/2025/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01/4/2025.
Danh sách 350 Bảo hiểm xã hội cấp huyện từ ngày 01/4/2025
Ngày 06/3/2025, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban
hành Quyết định 46/QĐ-BHXH quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bảo hiểm xã hội cấp
huyện.
Vị trí, chức năng của Bảo hiểm xã hội cấp huyện theo Điều
1 Quyết định 46/QĐ-BHXH ngày 06/3/2025 như sau:
- Bảo hiểm xã hội quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bảo hiểm xã hội liên huyện (gọi chung là
Bảo hiểm xã hội cấp huyện) là cơ quan trực thuộc Bảo hiểm xã hội khu vực đặt
tại địa bàn cấp huyện, có chức năng giúp Giám đốc Bảo hiểm xã hội khu vực tổ
chức thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; quản lý thu,
chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên địa bàn cấp huyện
theo quy định.
Tên gọi, trụ sở và địa bàn quản lý của từng Bảo hiểm xã
hội cấp huyện theo Phụ lục kèm theo Quyết định 46/QĐ-BHXH ngày 06/3/2025 .
Không tổ chức Bảo hiểm xã hội cấp huyện trên địa bàn cấp
huyện nơi có trụ sở Bảo hiểm xã hội khu vực đóng. Nhiệm vụ trên địa bàn cấp
huyện này do Bảo hiểm xã hội khu vực trực tiếp thực hiện.
- Bảo hiểm xã hội cấp huyện chịu sự quản lý trực tiếp,
toàn diện của Giám đốc Bảo hiểm xã hội khu vực và chịu sự quản lý hành chính
nhà nước trên địa bàn của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Bảo hiểm xã hội cấp huyện có tư cách pháp nhân, có con
dấu, tài khoản và trụ sở riêng.
Theo Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 46/QĐ-BHXH ngày 06/3/2025 về tên gọi, trụ sở và địa bàn quản lý của 350 Bảo hiểm
xã hội cấp huyện
Quyết định 46/QĐ-BHXH có hiệu lực từ ngày 01/4/2025.
N: KC&XTTM tổng
hợp