Sửa đổi điều kiện
đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu
Có hiệu lực từ ngày 02/01/2022, Nghị định số
95/2021/NĐ-CP ban hành ngày 1/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu.
Trong đó, Nghị định sửa đổi điều kiện đối với thương nhân
kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Một trong các điều kiện được sửa là
thương nhân phải có hệ thống phân phối xăng dầu: Tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ
xăng dầu thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ 5 năm trở lên, trong đó có
ít nhất 5 cửa hàng thuộc sở hữu của doanh nghiệp; tối thiểu 40 tổng đại lý kinh
doanh xăng dầu hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ
xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân.
Bảo đảm công khai,
minh bạch giá trang thiết bị y tế khi lưu hành trên thị trường
Nghị định 98/2021/NĐ-CP ban hành ngày 8/11/2021 của Chính
phủ về quản lý trang thiết bị y tế có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Theo đó, quản lý giá trang thiết bị y tế theo cơ chế thị
trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân
kinh doanh trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật; bảo đảm công khai,
minh bạch giá trang thiết bị y tế khi lưu hành trên thị trường.
Niêm yết giá bán buôn, bán lẻ trang thiết bị y tế bằng
đồng Việt Nam tại nơi giao dịch hoặc nơi bán trang thiết bị y tế của cơ sở kinh
doanh trang thiết bị y tế; thông báo công khai trên bảng, trên giấy hoặc bằng
các hình thức khác.
Công khai giá trúng thầu trang thiết bị y tế của các cơ
sở y tế công lập; không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê
khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng Thông tin điện tử của
Bộ Y tế tại thời điểm mua bán.
Trích dẫn không
đúng nguồn thông tin thống kê sẽ bị phạt đến 1 triệu đồng
Có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, Nghị định
100/2021/NĐ-CP ban hành ngày 15/11/2021
sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của
Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê.
Trong đó, Nghị định bổ sung Khoản 1a vào sau Khoản 1 Điều
13: Phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng đối với hành vi trích dẫn không đúng
nguồn thông tin thống kê khi phổ biến, đăng tải trên các phương tiện thông tin
đại chúng hoặc các ấn phẩm.
Từ 01/01/2022, tăng
thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 102/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một
số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế,
hóa đơn; hải quan, kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số... chính thức có hiệu
lực từ ngày 01/01/2022.
Theo đó, từ ngày 01/01/2022, thời hiệu xử phạt vi phạm
hành chính về hóa đơn là 02 năm.
(Hiện hành, Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định thời hiệu
xử phạt là 01 năm).
Ngoài ra, Nghị định 102/2021 bổ sung quy định về xử phạt
hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn như sau:
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với
một trong các hành vi sau đây:
+ Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành, đã mua của cơ
quan thuế nhưng chưa lập;
+ Làm mất, cháy, hỏng hoá đơn đã lập (liên giao cho khách
hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài
liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ;
+ Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai
thuế;
Các bên liên quan phải lập biên bản ghi nhận việc mất,
cháy, hỏng hóa đơn.
(So với hiện hành, bổ sung hành vi “làm mất, cháy, hỏng
hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế”; đồng thời yêu cầu các bên phải lập biên
bản ghi nhận sự việc).
Điều chỉnh lương
hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng
Ngày 07/12/2021 Chính phủ ban hành Nghị định số
108/2021/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng
tháng
Theo đó, kể từ ngày 01/01/2022:
- Điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu của tháng
12/2021 cho các nhóm đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này.
- Điều chỉnh tăng thêm đối với các đối tượng quy định tại
khoản 2 Điều 1 Nghị định số 108/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
+ Tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng đối với những người
có mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng từ 2.300.000
đồng/người/tháng trở xuống;
+ Tăng lên bằng 2.500.000 đồng/người/tháng đối với những
người có mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng từ 2.300.000
đồng/người/tháng đến dưới 2.500.000 đồng/người/tháng.
Mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng sau khi
điều chỉnh theo quy định này là căn cứ để điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ở những
lần điều chỉnh tiếp theo.
Nghị định số 108/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày
20/01/2022.
Doanh nghiệp đưa
lao động đi làm việc ở nước ngoài phải ký quỹ 2 tỷ đồng
Theo Nghị định số 112/2021/NĐ-CP ban hành ngày 10/12/2021
của Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt
Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (doanh nghiệp dịch vụ) phải thực
hiện ký quỹ 2 tỷ đồng tại một ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được
thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Đối với doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ cho chi nhánh
thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước
ngoài theo hợp đồng phải ký quỹ thêm 500 triệu đồng đối với mỗi chi nhánh được
giao nhiệm vụ.
Còn doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi
đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài, phải thực hiện ký quỹ
tại một ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động
hợp pháp tại Việt Nam.
Mức tiền ký quỹ bằng 10% một lượt vé máy bay hạng phổ
thông từ nơi làm việc về Việt Nam tính theo số lượng người lao động đi làm việc
ở nước ngoài trong Hợp đồng nhận lao động thực tập.
Về mức trần tiền ký quỹ của người lao động, Nghị định quy
định doanh nghiệp dịch vụ và người lao động thỏa thuận về ngân hàng nhận ký
quỹ, việc ký quỹ, trong đó tiền ký quỹ không vượt quá mức trần quy định và phải
ghi rõ trong Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Quy định chi tiết
thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính
Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ban hành ngày 23/12/2021 của
Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi
phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định về: Đối tượng bị xử
phạt vi phạm hành chính; quy định về vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành
chính; áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính và quản lý nhà nước về
thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
Theo quy định, việc quy định hành vi vi phạm hành chính
phải bảo đảm các yêu cầu sau: Có vi phạm các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm,
điều cấm của pháp luật về trật tự quản lý hành chính trong các lĩnh vực quản lý
nhà nước; đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự quản lý hành chính nhà nước; hành vi
vi phạm hành chính phải được mô tả rõ ràng, đầy đủ, cụ thể để có thể xác định
và xử phạt được trong thực tiễn.
Hình thức xử phạt, mức xử phạt được quy định đối với từng
hành vi vi phạm hành chính và phải căn cứ vào các yếu tố sau: Tính chất, mức độ
xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước của hành vi vi phạm; đối với hành
vi vi phạm không nghiêm trọng, có tính chất đơn giản, thì phải quy định hình
thức xử phạt cảnh cáo; mức thu nhập, mức sống trung bình của người dân trong
từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; mức độ giáo dục, răn đe
và tính hợp lý, tính khả thi của việc áp dụng hình thức, mức phạt.
Vi phạm hành chính
lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp bị phạt 100 triệu đồng
Có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, Nghị định số
122/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế
hoạch và đầu tư đã bổ sung quy định về mức phạt tiền tối đa với các hành vi vi
phạm hành chính tại Nghị định này như sau:
Trong lĩnh vực đầu tư là 300 triệu đồng; trong lĩnh vực
đấu thầu là 300 triệu đồng; trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp là 100 triệu
đồng; trong lĩnh vực quy hoạch là 500 triệu đồng.
Riêng với lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, mức phạt tiền
tối đa tăng từ 30 triệu đồng lên 100 triệu đồng so với trước đây.
Không đội mũ bảo
hiểm bị phạt đến 600.000 đồng
Nghị định 123/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của các
Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, giao
thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng sẽ có hiệu lực từ 1/1/2022.
Theo đó, hành vi không đội "mũ bảo hiểm" hoặc
đội "mũ bảo hiểm" nhưng không cài quai đúng quy cách khi điều khiển
xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng
đến 600.000 đồng. Mức phạt này tăng gấp đôi so với Nghị định 100/2019
(200.000-300.000 đồng).
Cũng theo Nghị định này, người điều khiển xe không gắn đủ
biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn
biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số
hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) sẽ
bị phạt tiền 4-6 triệu đồng.
Vi phạm quy định về
quản lý giá trang thiết bị y tế sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng
Có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, Nghị định 124/2021/NĐ-CP
ban hành ngày 28/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính
về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính
phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Trong đó, Nghị định 124/2021/NĐ-CP bổ sung Điều 78a vi
phạm quy định về quản lý giá trang thiết bị y tế vào sau Điều 78 Nghị định số
117/2020/NĐ-CP. Cụ thể, phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với một trong các
hành vi: Không thực hiện việc kê khai giá trang thiết bị y tế trước khi lưu
hành tại Việt Nam; mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai hoặc mua
bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm
mua bán.
Sửa quy định thủ
tục kiểm dịch thực vật xuất, nhập khẩu
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông
tư 15/2021/TT-BNNPTNT ngày 6/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư
số 33/2014/TT-BNNPTNT ngày 30/10/2021 quy định trình tự, thủ tục kiểm dịch thực
vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và sau nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm
dịch thực vật.
Thông tư sửa đổi, bổ sung Khoản 3 (kiểm tra vật thể) Điều
7 trình tự thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/1/2022.
Quy định mới về
kinh doanh xăng dầu
Thông tư 17/2021/TT-BCT ban hành ngày 15/11/2021, của Bộ
Công Thương sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2014/TT-BCT quy định chi tiết một
số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Bổ
sung một số quy định mới trong kinh doanh xăng dầu như quy định về điều hành
giá xăng dầu; về thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ và đăng ký hạn mức tổng nguồn
xăng dầu tối thiểu hàng năm.
Thông tư 17 bổ sung quy định về "Điều hành giá xăng
dầu" như sau: Các mặt hàng xăng dầu nhà nước công bố giá cơ sở là những
mặt hàng xăng, dầu được tiêu dùng phổ biến trên thị trường gồm xăng sinh học,
xăng khoáng, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut. Bộ Công Thương xác định từng mặt
hàng xăng, dầu tiêu dùng nhiều nhất thuộc các nhóm mặt hàng xăng sinh học, xăng
khoáng, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut để thực hiện công bố giá cơ sở.
Về báo cáo lượng xăng dầu sản xuất trong nước: Định kỳ,
trước ngày 29 của tháng cuối Quý, thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu báo cáo
sản lượng bán xăng dầu trong nước theo từng chủng loại trong kỳ từ ngày 21
tháng trước liền kề tháng đầu tiên của Quý đến ngày 20 tháng cuối Quý về Bộ
Công Thương để tổng hợp tính toán, xác định tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ
nguồn trong nước và nhập khẩu trong công thức giá cơ sở.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 2/1/2022.
Từ 1/1/2022, người
dân có thể mở thẻ ngân hàng bằng hình thức online
Thông tư 17/2021/TT-NHNN ngày 16/11/2021, của Ngân hàng
Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định
về hoạt động thẻ ngân hàng; trong đó, bổ sung quy định: Tổ chức phát hành thẻ
có thể thực hiện phát hành thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh
đối với chủ thẻ chính là cá nhân bằng phương thức điện tử.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Thêm cửa khẩu được
nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ
Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 21/2021/TT-BCT ngày
10/12/2021 quy định cửa khẩu nhập khẩu đối với ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi.
Theo đó, ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi chỉ được nhập
khẩu về Việt Nam qua các cửa khẩu cảng biển: Quảng Ninh (Cái Lân), Hải Phòng,
Thanh Hóa (Nghi Sơn), Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Thủ tục nhập
khẩu thực hiện theo các quy định pháp luật có liên quan.
Thông tư 21/2021/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày
24/1/2022; thay thế Thông tư số 06/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định cửa
khẩu nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi.
So với Thông tư số 06/2019/TT-BCT, danh sách các cửa khẩu
cảng biển được nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi theo Thông tư mới bổ
sung cửa khẩu cảng biển Thanh Hóa (Nghi Sơn).
Thông tư có hiệu lực từ ngày 24/1/2022.
Từ 01/01/2022,
không bắt buộc sàn TMĐT khai thuế thay người bán
Thông tư 100/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư
40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế GTGT, thuế TNCN và quản lý thuế đối với hộ kinh
doanh, cá nhân kinh doanh, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Theo đó, sửa đổi quy định về tổ chức kê khai thuế thay,
nộp thuế thay cho cá nhân quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 8 Thông tư 40/2021.
Cụ thể, tổ chức bao gồm cả chủ sở hữu Sàn giao dịch
thương mại điện tử thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân
trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự.
Hiện hành, Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định tổ chức là
chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử chủ sàn thương mại điện tử thực
hiện việc kê khai, nộp thuế thay cho người bán theo lộ trình của cơ quan thuế.
Như vậy, từ 01/01/2022, sàn thương mại điện tử sẽ không
phải kê khai thuế thay, nộp thuế thay nếu người bán không ủy quyền.
Hướng dẫn về lương,
thưởng cho Ban kiểm soát tại công ty TNHH MTV Nhà nước
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 105/2021/TT-BTC ngày
25/11/2021 hướng dẫn việc trích lập, quản lý tiền lương, thù lao, tiền thưởng
đối với Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên tại công ty trách nhiệm hữu hạn
một thành viên (TNHH MTV) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Theo đó, về trích lập quỹ tiền lương, thù lao của Trưởng
ban kiểm soát, Kiểm soát viên, Thông tư quy định, quý I hằng năm, công ty TNHH
MTV thực hiện xác định quỹ tiền lương, thù lao kế hoạch của Trưởng ban kiểm
soát và Kiểm soát viên theo quy định tại Điều 4, Điều 5 và Điều 6 Nghị định số
52/2016/NĐ-CP.
Thông tư nêu rõ, tiền thưởng của Trưởng ban kiểm soát và
Kiểm soát viên bao gồm tiền thưởng hàng năm và thưởng khi kết thúc nhiệm kỳ.
Khi thực hiện quyết định chi thưởng hàng năm cho người
quản lý, cán bộ công nhân viên của công ty, công ty TNHH MTV thực hiện chuyển
90% tiền thưởng năm của Trưởng ban kiểm soát và Kiểm soát viên về quỹ tiền
lương, thù lao, tiền thưởng của Trưởng ban kiểm soát và Kiểm soát viên tại cơ
quan đại diện chủ sở hữu.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2022.
Tiếp tục giảm 37
khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp
Thông tư số 120/2021/TT-BTC quy định mức thu một số khoản
phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch
COVID-19, thời gian thực hiện từ 1/1-30/6/2022.
Theo đó, có 37 khoản phí, lệ phí được giảm với mức giảm
từ 10-50% so với quy định hiện hành.
Nhiều khoản phí, lệ phí được giảm đến 50% mức phí quy
định trước đó, như: Lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng;
lệ phí giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; phí
thẩm định dự án đầu tư xây dựng; phí thẩm định thiết kế cơ sở; phí thẩm định
cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ
lữ hành nội địa; phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán (trừ 2 khoản phí, lệ
phí quy định); lệ phí cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh;
lệ phí sở hữu công nghiệp; lệ phí nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;
lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp, công bố, đăng bạ
đại diện sở hữu công nghiệp...
N:
KC&XTTM tổng hợp