image banner



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Chính sách mới nổi bật có hiệu lực tháng 7/2020

10 điểm mới của Luật sửa đổi Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức

Từ ngày 01/7/2020, nhiều thay đổi lớn liên quan đến tiền lương, việc làm của cán bộ, công chức, viên chức sau đây:

1. Lương cơ sở vẫn giữ mức 1.490.000 đồng/tháng từ 01/7/2020

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vừa bế mạc, Quốc hội đã quyết định chưa tăng lương cơ sở từ 1/7/2020.

Đồng thời, giao Chính phủ, căn cứ tình hình thực tế để chủ động báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở (Xem chi tiết tại đây).

Như vậy, từ 01/7/2020, lương cơ sở giữ mức 1.490.000 đồng/tháng theo quy định tại Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP ngày 09/5/2019; với việc mức lương cơ sở giữ nguyên thì các khoản khác tính theo lương cơ sở cũng sẽ giữ nguyên.

2. Sẽ không còn công chức là lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập nói chung

Theo Luật Cán bộ, công chức 2008, người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập được xem là công chức.

Tuy nhiên, theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 (có hiệu lực từ 01/7/2020) thì khái niệm công chức không còn đối tượng công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.

3. Chỉ còn 3 trường hợp viên chức có biên chế suốt đời

Từ 01/7/2020, hợp đồng làm việc không xác định thời hạn chỉ còn được áp dụng với 03 trường hợp sau:

- Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020;

- Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức;

- Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Trước đây, theo quy định của Luật viên chức 2010 thì sau khi viên chức đã thực hiện xong hợp đồng xác định thời hạn và tiếp tục ký hợp đồng sẽ được ký hợp đồng không xác định thời hạn (thường gọi là biên chế suốt đời).

4. Kéo dài thời hạn tối đa của hợp đồng làm việc xác định thời hạn với viên chức lên 60 tháng

- Hiện hành: Theo quy định tại Luật viên chức 2010 thì Hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

- Từ 01/7/2020: Hợp đồng làm việc xác định thời hạn có là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.

5. Tốt nghiệp đại học loại xuất sắc có thể được xét tuyển vào công chức

Theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019, việc tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển được thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức đối với từng nhóm đối tượng sau đây:

- Cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

- Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học;

- Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.

Hiện hành, chỉ người có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức 2008 cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì mới được tuyển dụng thông qua xét tuyển.

6. Sẽ có thêm ngạch công chức mới do Chính phủ quy định

Bổ sung thêm 01 loại ngạch công chức, ngạch này do Chính phủ quy định bên cạnh các ngạch Chuyên viên chính và tương đương, Chuyên viên và tương đương,Cán sự và tương đương, Nhân viên.

7. Luật hóa quy định về tiếp nhận công chức không qua thi tuyển, xét tuyển

- Hiện hành: Luật quy định 02 hình thức là thi tuyển, xét tuyển, Thông tư 03/2019/TT-BNV quy định về tiếp nhận đối với các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức.

- Từ 01/7/2020: Luật quy định hình thức tiếp nhận không thông qua thi tuyển, xét tuyển, cụ thể đối với:

+ Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập;

+ Cán bộ, công chức cấp xã;

+ Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức;

+ Tiếp nhận để bổ nhiệm làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với 1 số chức vụ được quy định chi tiết tại Điều 37 Luật Cán bộ, công chức 2008 (Đã được sửa đổi, bổ sung).

+ Người đã từng là cán bộ, công chức sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác.

8. Nới lỏng điều kiện xem xét viên chức nghỉ hưu

Về việc xem xét nghỉ hưu của viên chức:

- Hiện hành, Luật viên chức 2010 quy định sẽ không giải quyết nghỉ hưu cho viên chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì từ 01/7/2020, Luật mới đã loại bỏ nội dung “không giải quyết nghỉ hưu” ra khỏi điều luật.

- Khi viên chức bị khiển trách hoặc cảnh cáo vẫn có thể được bổ nhiệm lại nhưng không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng. Trong khi, hiện nay đang quy định “không bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng.

Như vậy, khi đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, viên chức vẫn được xem xét giải quyết nghỉ hưu và trong thời hạn 12 tháng vẫn có thể được bổ nhiệm lại hoặc bố trí chức vụ thấp hơn.

9. Công khai kết quả đánh giá cán bộ, công chức ở nơi làm việc

Đây là một trong những điểm mới của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019.

Theo đó, kết quả xếp loại chất lượng cán bộ được lưu vào hồ sơ cán bộ, thông báo đến cán bộ được đánh giá và công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ công tác.

Tong khi theo quy định hiện hành, kết quả chỉ được lưu vào hồ sơ và thông báo đến cán bộ, công chức được đánh giá.

10. Đánh giá viên chức thông qua công việc, sản phẩm cụ thể

Hiện hành,  Điều 41 Luật Viên chức nêu rõ, việc đánh giá viên chức chỉ được xem xét ở kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết; thái độ phục vụ nhân dân…

Từ 01/7/2020, một trong những nội dung đánh giá công chức đó là đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể.

Nâng chuẩn trình độ đối với giáo viên

Tại kỳ họp thứ 7, ngày 14/6/2019, Quốc hội khóa XIV chính thức thông qua Luật Giáo dục 2019. Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.

Điều đáng chú ý tại Luật này, hầu hết các giáo viên ở các cấp học đều phải nâng chuẩn trình độ. Theo đó:

- Giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên;

- Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên;

- Giảng viên đại học tối thiểu phải có bằng thạc sĩ.

Việc nâng chuẩn trình độ đối với những giáo viên nêu trên sẽ được thực hiện theo lộ trình.

Có Căn cước công dân sẽ được cấp hộ chiếu ở bất cứ đâu

Khoản 3 Điều 15 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 có nêu:

Người có thẻ Căn cước công dân đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thuận lợi.

Như vâỵ, từ ngày 01/7 tới đây, người có thẻ Căn cước công dân đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu được lựa chọn nơi cấp hộ chiếu sao cho thuận lợi, thay vì phải thực hiện ở nơi thường trú hoặc nơi tạm trú như hiện nay.

 Tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân lên 11 triệu đồng/tháng

Ngày 02/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 954 điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.

Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân được điều chỉnh như sau:

- Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (tương đương 132 triệu đồng/năm);

- Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Mở rộng quyền lợi của người nộp thuế

Ngày 01/7/2020 tới đây, khi Luật Quản lý thuế chính thức có hiệu lực, quyền lợi của người nộp thuế càng được đảm bảo hơn nữa. Đơn cử như:

- Được nhận văn bản liên quan đến nghĩa vụ thuế của các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

- Được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số tiền thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số tiền thuế không được hoàn.

Doanh nghiệp được đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức thấp hơn

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 58/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 27/5/2020 và có hiệu lực từ ngày 15/7/2020.

Hiện nay, hàng tháng, người sử dụng lao động phải đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Song tới đây, người sử dụng lao động sẽ được đề xuất mức đóng giảm xuống còn 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định.

Thêm giấy tờ có thể thay thế trong hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Nghị định 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP về bảo hiểm thất nghiệp sẽ có hiệu lực từ ngày 15/7 tới đây.

Nghị định này đã bổ sung thêm 03 loại giấy tờ có thể sử dụng trong hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Đó là:

- Xác nhận của người sử dụng lao động trong đó có thông tin của người lao động; loại hợp đồng lao động đã ký; lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

- Xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp, hợp tác xã giải thể, phá sản hoặc quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với các chức danh được bổ nhiệm trong trường hợp người lao động là người quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã;

- Văn bản xác nhận của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc người lao động không có giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động do đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật.

Giảm số lượng Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 có khá nhiều điểm mới.

Và một trong những điểm đáng chú ý là quy định về việc giảm số lượng Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Theo đó, với thành phố trực thuộc trung ương có từ 01 triệu dân trở xuống thì hội đồng nhân dân được bầu 50 đại biểu; có trên 01 triệu dân thì có không quá 85 đại biểu.

Với quận có từ 100.000 dân trở xuống thì hội đồng dân nhân được bầu 20 đại biểu; có trên 100.000 dân thì được bầu tối đa 45 đại biểu...

Thêm nhiều trường hợp tạm hoãn nghĩa vụ dân quân tự vệ

Cũng tại kỳ họp thứ 8, ngày 22/11/2019, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Dân quân tự vệ. Luật này có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.

So với hiện nay, khi Luật này được áp dụng, sẽ có thêm nhiều trường hợp được tạm hoãn nghĩa vụ dân quân tự vệ. Có thể kể đến:

- Nam giới một mình nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi;

- Người có chồng hoặc vợ là công chức, viên chức, công nhân quốc phòng đang phục vụ trong quân đội, công an;

- Lao động chính duy nhất trong hộ cận nghèo...

Độ tuổi quân nhân dự bị trong thời bình cao nhất lên đến 45 tuổi

Luật Lực lượng dự bị động viên được Quốc hội khóa XIV thông qua vào ngày 26/11/2019 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, thay thế Pháp lệnh Lực lượng Dự bị động viên năm 1996.

Luật này quy định cụ thể về độ tuổi của quân nhân dự bị trong thời bình. Theo đó, độ tuổi quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên như sau:

- Đối với đơn vị chiến đấu: Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị không quá 40 tuổi; hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 35 tuổi;

- Đối với đơn vị bảo đảm chiến đấu: Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 45 tuổi.

21/4 là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Ngày 21/11/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội thông qua Luật Thư viện thay thế cho Pháp lệnh Thư viện năm 2000.

Luật này đã chính thức đưa ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam nhằm phát triển văn hóa đọc và từng bước hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức trên phạm vi cả nước.

Kiểm toán Nhà nước được quyền xử phạt hành chính

Đây là một trong những nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2019 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.

Cụ thể, tại Điều 11, Luật đã bổ sung thêm quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước được xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Bí mật Nhà nước được bảo mật đến 30 năm

Ngày 15/11/2018, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.

Bí mật nhà nước được phân thành 03 mức độ: Tuyệt mật, Tối mật và Mật. Thời gian bảo vệ bí mật Nhà nước là khoảng thời gian được tính từ ngày xác định độ mật của bí mật Nhà nước đến:

- 30 năm với bí mật Nhà nước độ Tuyệt mật;

- 20 năm với bí mật Nhà nước độ Tối mật;

- 10 năm với bí mật Nhà nước độ Mật…

Chứng chỉ hành nghề kiến trúc có thời hạn 10 năm

Theo Điều 27 Luật Kiến trúc 2019 có hiệu lực từ 01/7/2020, chứng chỉ hành nghề kiến trúc có thời hạn 10 năm và được sử dụng trong phạm vi cả nước. Chứng chỉ này chỉ được cấp cho người đáp ứng đủ 03 điều kiện:

1. Có trình độ đại học trở lên về lĩnh vực kiến trúc;

2. Có kinh nghiệm tham gia thực hiện dịch vụ kiến trúc tối thiểu 03 năm tại tổ chức hành nghề kiến trúc hoặc hợp tác với kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân;

3. Đạt yêu cầu sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc.

N: KC&XTTM tổng hợp

Cơ quan chủ quản: Sở Công Thương tỉnh Nam Định
Địa chỉ: Số 31- đường Vị Xuyên – TP Nam Định
Số điện thoại đường dây nóng: 02283.640.478; Email: socongthuong@namdinh.chinhphu.vn 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đặng Ngọc Rung - Phó Giám đốc.
Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định số 03/GP-TTĐT-STTTT ngày 26/10/2023.

  
Chung nhan Tin Nhiem Mang