image banner



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Tạo khung khổ pháp lý thông thoáng, khoa học nhất với phát triển cụm công nghiệp
Đây là phát biểu của ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương tại Hội nghị về cơ chế chính sách quản lý phát
triển cụm công nghiệp, khu vực phía Bắc. Hội nghị diễn ra hôm nay, 27/4/2023, tại Nam Định.
Hội nghị về cơ chế chính sách quản lý phát triển cụm công nghiệp, khu vực phía Bắc
Quang cảnh Hội nghị về cơ chế chính sách quản lý phát triển cụm công nghiệp, khu vực phía Bắc.

Đây là lần thứ 2 trong năm 2023, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị lấy ý kiến về cơ chế chính sách quản lý phát triển cụm công nghiệp. Tham dự chủ trì hội nghị có Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Ông Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định, Ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương.

Tham dự hội nghị có đại diện một số đơn vị thuộc các Bộ Công Thương, bộ, ngành liên quan (Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Công an) và đại biểu của trên 20 địa phương trong khu vực phía Bắc.

Hội nghị về cơ chế chính sách quản lý phát triển cụm công nghiệp, khu vực phía Bắc
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng, hiện nay, công tác quản lý cụm công nghiệp (CCN) đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và pháp luật liên quan. Việc ban hành, tổ chức thực hiện các Nghị định nêu trên thời gian qua đã tạo hành lang pháp lý thống nhất thực hiện trong cả nước từ quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư, hoạt động trong CCN; chấn chỉnh việc phát triển CCN tự phát trước đây, thu hút được các nhà đầu tư hạ tầng và đầu tư thứ cấp vào CCN.

Thời gian qua, công tác quản lý, đầu tư phát triển CCN nhìn chung được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo trình tự, quy định của pháp luật. Nhiều địa phương đã ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế quản lý, Quy hoạch phát triển và chính sách hỗ trợ cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn. Việc quy hoạch, phát triển CCN đã tạo thuận lợi trong tiếp cận chính sách về đất đai, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất hộ gia đình.

Các CCN trên cả nước thu hút được trên 13.300 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 770.000 lao động, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại khu vực nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp; các CCN còn góp phần tích cực trong việc di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hộ gia đình ra khỏi khu dân cư, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.

Hội nghị về cơ chế chính sách quản lý phát triển cụm công nghiệp, khu vực phía Bắc
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương phát biểu tại Hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương cho biết, trong quản lý, phát triển CCN còn một số khó khăn, tồn tại, như: Tiến độ đầu tư, hoàn thiện hạ tầng các CCN nhìn chung còn chậm, trông chờ vào ngân sách; thu hút doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng các CCN tại nhiều địa phương, nhất là địa phương vùng miền núi, vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn; vấn đề môi trường chưa được cải thiện rõ rệt; thủ tục hành chính thực hiện dự án đầu tư hạ tầng và dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN chưa được cải cách đáng kể gây tốn kém thời gian, nguồn lực của doanh nghiệp; cơ quan đầu mối quản lý CCN trên địa bàn (Sở Công Thương, phòng chuyên môn quản lý công thương cấp huyện) chưa phát huy tốt vai trò, hiệu quả quản lý; một số nội dung quản lý còn thiếu đồng bộ với pháp luật mới ban hành thời gian gần đây (như: Luật Quy hoạch; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường,…), hoặc một số nội dung chưa có quy định hướng dẫn rõ,...

Các địa phương gặp khó khăn, vướng mắc trong triển khai quy định tại Nghị định 68/2017/NĐ-CP “dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN phù hợp với nội dung Báo cáo đầu tư thành lập, mở rộng CCN, quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt thì không phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư” do Luật đầu tư số 2020 quy định đối với “dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng, dự án đầu tư có đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất” thì thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư là UBND cấp tỉnh.

Khó khăn, vướng mắc liên quan đến áp dụng pháp luật đất đai: Theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành (Luật Đất đai, Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai) thì đối với tổ chức sự nghiệp công lập thì chỉ có“Tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được cơ quan có thẩm quyền giao làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật CCN tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư thì được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án, được cho thuê lại đất sau khi đã đầu tư kết cấu hạ tầng,...”.

Thực tế hiện nay, các địa phương thuộc địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn thì các tổ chức sự nghiệp công lập được giao làm chủ đầu tư hạ tầng CCN đa số chưa tự chủ được tài chính (không được thuê đất, cho thêu lại đất); vì vậy, các địa phương gặp khó khăn do pháp luật đất đai không quy định rõ việc cho thuê đất đối với dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN trong trường hợp này;

Hiện nay, các địa phương đang gặp khó khăn trong việc xử lý chuyển giao các CCN do nhà nước làm chủ đầu tư, đã đầu tư một phần hoặc toàn bộ từ ngân sách nhà nước sang DN làm chủ đầu tư do chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể.

Mặc dù việc chủ trì tham mưu phát triển CCN, ngành nghề sản xuất kinh doanh trong CCN trên địa bàn cấp tỉnh (xác định mục tiêu, chiến lược, quy hoạch, phát triển ngành nghề sản xuất kinh doanh,...) thuộc chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của Sở Công Thương, nhưng việc hướng dẫn thu hút đầu tư, lập và thẩm định dự án đầu tư sản xuất kinh doanh vào CCN theo pháp luật đầu tư lại thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Sở Công Thương gặp khó khăn trong việc thực hiện vai trò cơ quan đầu mối quản lý về CCN trên địa bàn.

Ngoài ra, một số nội dung, quy định trong quá trình thực hiện, cũng cần có nghiên cứu đề xuất sửa đổi (về phương án phát triển CCN, thành lập, mở rộng, đầu tư, thu hút đầu tư CCN; cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ, phát triển CCN,…) hoặc bổ sung quy định mới (như: điều chỉnh, bãi bỏ quyết định thành lập, mở rộng CCN, thành lập CCN hình thành trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg, tiêu chí phân loại dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN theo pháp luật đầu tư công, các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng theo pháp luật xây dựng…) cho phù hợp với thực tiễn quản lý hiện nay.

Vì vậy, để khắc phục các tồn tại này, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý, phát triển CCN hiện nay thì việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP là hết sức cần thiết.

ông Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch tỉnh Nam Định
Ông Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Ông Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định cho rằng, sau 5 năm thực hiện Nghị định 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 và 2 năm thực hiện Nghị định 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ về Quản lý , phát triển CCN đã tạo hành lang pháp lý, công tác quản lý, phát triển CCN được thống nhất từ công tác quy hoạch, thành lập, mở rộng CCN, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và sản xuất kinh doanh trong CCN; làm cơ sở cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong CCN chấp hành chủ trương, chính sách, quy định nhà nước về phát triển CCN,...

Do đó, trong 5 năm công tác quản lý và phát triển CCN trên địa bàn tỉnh Nam Định có những chuyển biến tích cực.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định có 26 CCN được thành lập (Trong đó có 19 CCN được thành lập trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 ban hành quy chế quản lý cụm công nghiệp của Chính phủ và 07 CCN được thành lập theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/7/2017 của Chính phủ về Quản lý, phát triển CCN và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 68/2017/NĐ-CP ) với tổng diện tích 596,27 ha; trong đó 20 CCN đã đi vào hoạt động với diện tích 393,67 ha; tỷ lệ lấp đầy trung bình của các CCN đi vào hoạt động đạt khoảng 90%.

Đối với 20 CCN đã đi vào hoạt động hạ tầng kĩ thuật như hệ thống giao thông nội bộ, hệ thống cung cấp điện, hệ thống cấp thoát nước tương đối hoàn chỉnh; đã  có 547 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện dự án đầu tư, tổng số vốn đăng ký là 6.429.350 triệu đồng, đã thực hiện 5.006.229  triệu đồng;  thu hút 21.545  lao động. Các CCN đều có hồ sơ pháp lý về môi trường được phê duyệt;  04/20 CCN được đầu tư xây  dựng  hệ thống  xử lý nước  thải  tập  trung, trong đó 03 CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung được đưa vào hoạt động ổn định là CCN An Xá, CCN Xuân Tiến và CCN Yên Dương. Ông Trần Anh Dũng cho biết thêm.

Ông Trần Văn Hảo, Giám đốc, Sở Công Thương Hải Dương
Ông Trần Văn Hảo, Giám đốc, Sở Công Thương Hải Dương phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Hảo, Giám đốc, Sở Công Thương Hải Dương cho biết, Hải Dương hiện có 58 cụm công nghiệp có 3000 ha, chiếm 70 % diện tích của khu, cụm công nghiệp trên toàn tỉnh, 18.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn tìm tới cụm công nghiệp.

Hiện nay, Hải Dương, đang kêu gọi công nghiệp công nhỏ công nghệ cao, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng tìm tới cụm công nghiệp. Tỉnh thực hiện việc khoanh vùng phát triển cụm công nghiệp theo ngành nghề, cụm công nghiệp cạnh khu công nghiệp.

Mặt khác, các danh mục di chuyển làng nghề ô nhiễm ra, nhưng có lẽ nghiên cứu ở góc độ khác. Chẳng hạn, Tạp đoàn SamSung yêu cầu tỉnh có 30 ha mặt bằng trong vòng 1 năm, điều này KCN không đáp ứng được, nhà đầu tư chỉ có thể tìm tới cụm công nghiệp.

Ông Bùi Đức Hạnh - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Bình
Ông Bùi Đức Hạnh - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Bình phát biểu tại Hội nghị.

Ông Bùi Đức Hạnh - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Bình cho rằng, việc xây dựng phát triển cụm công nghiệp quan trọng trong chiến lược phát triển KT- XH của tỉnh. Tỉnh quy hoạch giai đoạn 2016 - 2020 với 50 cụm công nghiệp, có 48 cụm thành lập, 35 đi vào hoạt động, tổng đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng, thu hút 55.000 lao động.

Hiện, việc rà soát điều chỉnh quy hoạch 2021 -2030, xây dựng phương án 67 cụm công nghiệp trên toàn tỉnh, phương án theo hướng khu vực có tiềm năng, có khả năng mở rộng, chuyên ngành, có tính liên kết có sức cạnh tranh.

Sau khi lắng nghe ý kiến 15 đại biểu phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, cho rằng, thời qua các hội nghị, Bộ Công Thương đã ghi nhận ý kiến đóng góp của 63/63 tỉnh, thành. Thời gian hoàn thành tờ trình Chính phủ sửa đổi nghị định, ban hành còn 2 tháng, việc sửa đổi vẫn tiếp tuc hướng tới chủ thể cơ quan quản lý các cấp, nhà đầu tư.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhât Tân cũng lưu ý cơ quan soạn thảo, qua thủ tục hành chính hiện hành, việc chấp thuận chủ trương đầu tư, 1 số địa phương đã vận dụng linh hoạt, có thể vận dụng song hành.

Việc phát triển các CCN thời gian qua đã khẳng định vai trò rất quan trọng đối với phát triển KT-XH của các địa phương, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, việc quản lý, phát triển CCN đang gặp những khó khăn, bất cập, vướng mắc (như đã đề cập tại phần phát biểu khai mạc và bàn luận tại Hội nghị). Vì vậy, việc sớm hoàn thiện, ban hành Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN (thay thế Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP) là hết sức cần thiết; nhằm:

Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển cụm công nghiệp một cách hiệu quả, chặt chẽ, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp theo chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước; khắc phục những bất cập, tồn tại của công tác quản lý CCN thời gian qua, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển cụm công nghiệp hiện nay;

Tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương, giao trách nhiệm nhiều hơn cho cơ quan quản lý nhà nước về Công Thương địa phương để có công cụ, điều kiện thực hiện vai trò, chức năng đầu mối quản lý các CCN trên địa bàn theo tinh thần của Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ;

Tạo hành lang pháp lý thông suốt, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành.Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết thêm.

Nguồn: Thăng Long - Hoàng Dương (Tạp chí Công Thương)

Cơ quan chủ quản: Sở Công Thương tỉnh Nam Định
Địa chỉ: Số 31- đường Vị Xuyên – TP Nam Định
Số điện thoại đường dây nóng: 02283.640.478; Email: socongthuong@namdinh.chinhphu.vn 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đặng Ngọc Rung - Phó Giám đốc.
Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định số 03/GP-TTĐT-STTTT ngày 26/10/2023.

  
Chung nhan Tin Nhiem Mang