Những điểm đáng lưu ý trong Chính sách Ngoại thương 2023 của Ấn Độ và cơ hội cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam
Ngày 31/3/2023, Ấn Độ đã công bố Chính sách
Ngoại thương (Foreign Trade Policy – FTP) 2023. Chính sách có hiệu lực từ ngày
01/4/2023, bắt đầu năm tài chính 2023-2024.
Đáng chú ý trong Chính sách ngoại thương 2023
này, Ấn Độ công bố mục tiêu xuất khẩu đạt 2000 tỷ vào năm 2030, trong đó, mục
tiêu xuất khẩu hàng hóa đạt 1000 tỷ USD và mục tiêu xuất khẩu dịch vụ đạt 1000
tỷ USD vào năm 2030. Theo mục tiêu này, dự kiến tăng trưởng xuất khẩu hàng năm
của Ấn Độ sẽ đạt mức 10%. Trên thực tế, kết thúc năm tài chính 2022-2023 (tháng
4/2022 – tháng 3/2023), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Ấn Độ đã đạt
1161 tỷ. Trong đó, xuất khẩu đạt 447 tỷ USD, tăng 6% so với năm tài chính
2021-2022; Nhập khẩu đạt 714 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm tài chính
2021-2022.
Chính sách Ngoại thương
2023 của Ấn Độ cũng sẽ gắn liền với việc Ấn Độ thực hiện đơn giản hóa hoạt động
kinh doanh thông qua quản lý, cấp phép và phê duyệt các giấy tờ trực tuyến, cắt
giảm thủ tục hành chính và cắt giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính
cho doanh nghiệp. Ấn Độ mong muốn có thể thúc đẩy và tạo thuận lợi cho hoạt
kinh doanh, thương mại, giúp tiết kiệm thời gian và tài chính cho doanh nghiệp;
đẩy mạnh và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất trong nước để hiện
thực hóa Chiến lược “Make in India”.
Trong bối cảnh Ấn Độ đưa
ra Chính sách ngoại thương 2023 với nhiều điểm đáng lưu ý như trên, đồng thời
thúc đẩy tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước,
Ấn Độ dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng việc nhập khẩu các nguyên phụ liệu, nguyên
liệu cho hoạt động sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Các mặt
hàng và nhóm mặt hàng dự báo Ấn Độ sẽ tiếp tục gia tăng nhập khẩu gồm nhóm hàng
nông thủy sản, gia vị, nhóm hàng phục sản xuất nông nghiệp, máy móc thiết bị
nông nghiệp.
Đây sẽ là cơ hội tốt cho
các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm và mong muốn thúc đẩy xuất khẩu sang thị
trường Ấn Độ, đặc biệt là đối với các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông
sản (cà phê, hạt tiêu, hạt điều, quế, hồi, gừng, nghệ…), thủy sản nguyên liệu,
phân bón, hóa chất, máy móc nông nghiệp, các sản phẩm hàng tiêu dùng….
Các doanh nghiệp quan
tâm đến thị trường Ấn Độ có thể liên hệ Bộ Công Thương (Vụ Thị trường châu Á –
châu Phi) hoặc Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ để tìm hiểu thêm thông tin cũng như
để được tư vấn, giải đáp, hỗ trợ.
Ấn Độ hiện là đối tác
thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại Việt Nam - Ấn Độ chiếm
khoảng 80% tổng kim ngạch của Việt Nam với các nước Nam Á khác. Trong khi đó,
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 23 trên thế giới và lớn thứ 4 trong
khu vực ASEAN của Ấn Độ. Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam -
Ấn Độ đạt 15 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Việt Nam và Ấn Độ còn nhiều
tiềm năng và lợi thế hợp tác trong các lĩnh vực như nông, thủy sản, sản xuất
công nghiệp, dệt may, da giày.
Trong 4 tháng đầu năm
2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Ấn Độ đạt 4,9 tỷ USD, giảm
11% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt
2,7 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu
tiềm năng của Việt Nam sang Ấn Độ vẫn đạt kim ngạch tăng so với cùng kỳ, cụ
thể: gỗ và sản phẩm từ gỗ (đạt 21 triệu USD, tăng 171%); giày dép các loại (đạt
73 triệu USD, tăng 20%); hàng dệt, may (đạt 44,6 triệu USD, tăng 2,7%); sản
phẩm từ cao su (đạt 5,2 triệu USD, tăng 21%); cà phê (đạt 27 triệu USD, tăng
73%); sắt thép các loại (đạt 142 triệu USD, tăng 590%)…
Nguồn:Vụ Thị trường châu Á - Châu Phi