image banner



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Tổng quan các cam kết về thuế mà các nước CPTPP dành cho Việt Nam

Các cam kết về cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế nhập khẩu trong CPTPP được chia thành các loại chính: (i) Xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay (EIF): Thuế nhập khẩu được xóa bỏ ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với một nước CPTPP. (ii) Xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình: Thuế nhập khẩu sẽ được đưa về 0% sau một khoảng thời gian nhất định (lộ trình).

Trong CPTPP, phần lớn là lộ trình 3-7 năm, tuy nhiên có nhiều trường hợp lộ trình là 10 hoặc 15 năm. Cá biệt có những trường hợp lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu lên đến trên 20 năm.

Hạn ngạch thuế quan (TRQ): Đối với trường hợp này, thuế nhập khẩu chỉ giảm hoặc xóa bỏ với một số lượng, khối lượng hàng hóa nhất định (gọi là giảm thuế, xóa bỏ thuế trong hạn ngạch). Với số lượng nhập khẩu vượt quá mức hạn ngạch trong biểu cam kết, mức thuế nhập khẩu áp dụng sẽ cao hơn, hoặc không được hưởng ưu đãi.

Description: Tổng quan về CPTPP

Cam kết tổng thể của từng nước Các nước CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn 97%-100% dòng thuế nhập khẩu cho Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước. Gần 100% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (tính theo kim ngạch xuất khẩu năm 2014) sang Nhật Bản, Ca-na-đa, Mê-hi-cô, Pê-ru và các nước CPTPP khác sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc theo lộ trình. Cụ thể cam kết mở cửa thị trường hàng hóa tổng thể của từng nước dành cho Việt Nam như sau:

Ca-na-đa cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế và 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ca-na-đa ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Trong đó, 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ nguyên liệu được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Ca-na-đa áp dụng hạn ngạch thuế quan cho tất cả các nước đối với một số mặt hàng bao gồm sữa và các sản phẩm từ sữa, trứng gà, và gà.

Nhật Bản cam kết cải thiện đáng kể so với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam

Nhật Bản (VJEPA), cụ thể, 86% dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực và gần 90% số dòng thuế sau 5 năm. Trong CPTPP, Nhật Bản cải thiện hơn so với VJEPA đối với 38% số dòng thuế mặt hàng nông sản, trong đó xóa bỏ thuế ngay đối với 78% kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Nhật Bản.

Ngoài ra, Nhật Bản đồng ý cải thiện hơn 64% số dòng thuế mặt hàng thủy sản, trong đó xóa bỏ thuế ngay đối với gần 91% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Thêm vào đó, Nhật Bản cũng cải thiện khoảng 17% số dòng thuế mặt hàng gỗ, trong đó xóa bỏ thuế ngay đối với gần 97% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ vào Nhật Bản, đồng thời xóa bỏ thuế nhập khẩu giầy da, túi da vào năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Trong Hiệp định CPTPP, Nhật Bản cam kết hạn ngạch thuế quan với các sản phẩm bột mỳ, lúa mạch, chế phẩm từ bột mỳ, lúa mạch, các loại mỳ, một số sản phẩm sữa, chế phẩm có chứa ca cao, mỡ, dầu ăn… Ngoài ra, Nhật Bản áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với một số mặt hàng riêng cho từng nước bao gồm Úc, Niu Di-lân, Ca-na-đa.

Pê-ru cam kết xóa bỏ 80,7% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 62,1% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam (vào năm thứ 17 sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,4% số dòng thuế). Pê-ru không áp dụng hạn ngạch thuế quan.

Mê-hi-cô cam kết xóa bỏ 77,2% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam (vào năm thứ 10 sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế). Mê-hi-cô áp dụng hạn ngạch thuế quan cho từng nước đối với một số sản phẩm sữa và chế phẩm từ sữa, dầu cọ… Ngoài ra, theo thỏa thuận giữa Việt Nam và Mê-hi-cô, Mê-hi-cô sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với một số mặt hàng dệt may nếu sử dụng nguyên liệu thuộc Danh mục nguồn cung thiếu hụt được nhập khẩu từ ngoài khu vực CPTPP mà hai bên đã thống nhất.

Chi-lê cam kết xóa bỏ 95,1% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 60,2% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam (vào năm thứ 8 sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,9% số dòng thuế). Chi-lê không cam kết hạn ngạch thuế quan.

Ốt-xtrây-li-a cam kết cắt giảm 93% số dòng thuế, tương đương 95,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này ngay khi thực hiện Hiệp định (tối đa vào năm thứ 4, các sản phẩm còn lại sẽ được xóa bỏ). Ốt-xtrây-li-a không cam kết hạn ngạch thuế quan.

Niu-di-lân cam kết xóa bỏ 94,6% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 69% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này (vào năm thứ 7 các dòng thuế còn lại sẽ dần được xóa bỏ hoàn toàn). Niu Di-lân không cam kết hạn ngạch thuế quan.

Xinh-ga-po cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với tất cả các mặt hàng ngay khi thực hiện Hiệp định. Xinh-ga-po không cam kết hạn ngạch thuế quan.

Ma-lai-xi-a cam kết xóa bỏ 84,7% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực (vào năm thứ 11, số dòng thuế cam kết cắt giảm của Ma-laixi-a lên tới 99,9%). Ma-lay-si-a áp dụng hạn ngạch thuế quan chung cho tất cả các nước đối với các mặt hàng như trứng gà và trứng vịt, gà, thịt gà, thịt lợn đông lạnh, một số loại sữa…

Bru-nây cam kết xóa bỏ 92% số dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam (tương đương 7.639 dòng) ngay khi Hiệp định có hiệu lực, (vào năm thứ 7 xóa bỏ tới 99,9%, năm thứ 11 xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu). Bru-nây không áp dụng hạn ngạch thuế quan. 


 Nguồn:Cẩm nang tiếp cận thị trường hàng hóa và Quy tắc xuất xứ trong CPTPP
Cơ quan chủ quản: Sở Công Thương tỉnh Nam Định
Địa chỉ: Số 31- đường Vị Xuyên – TP Nam Định
Số điện thoại đường dây nóng: 02283.640.478; Email: socongthuong@namdinh.chinhphu.vn 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đặng Ngọc Rung - Phó Giám đốc.
Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định số 03/GP-TTĐT-STTTT ngày 26/10/2023.

  
Chung nhan Tin Nhiem Mang