image banner



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Hiệp định RCEP tiến tới có hiệu lực ngày 1/1/2022
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - một hiệp định thương mại lớn gồm các nước ASEAN và Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, New Zealand đang tiến tới có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, theo thông báo từ Chính phủ Australia.

Australia và New Zealand là 2 nước vừa phê chuẩn hiệp định này và hoàn tất quá trình gia nhập. RCEP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi 6 trên 10 quốc gia ASEAN và 3 trên 5 nước đối tác phê chuẩn hiệp định và nộp bản lưu chiểu cho ASEAN, hiện đóng vai trò là ban thư ký của khối thương mại này.

Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne cùng Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Dan Tehan cho biết trong một tuyên bố chung ngày 2/11 rằng các yêu cầu của họ đã được đáp ứng, vì vậy, hiệp định này đã được thông qua.

Tuyên bố khẳng định, Hiệp định sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Australia với các quốc gia thành viên ASEAN và cũng là tín hiệu cho thấy sự ủng hộ của Australia đối với vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

RCEP là hiệp định cho phép rỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với 91% hàng hóa và đồng thời đặt ra tiêu chuẩn về các quy tắc đầu tư, sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử cũng như với các hoạt động thương mại khác. RCEP cũng có thể thúc đẩy tối ưu hóa chuỗi cung ứng trong khu vực thương mại tự do - vốn chiếm 30% dân số thế giới và 30% GDP với 2,2 tỷ người và 26,3 nghìn tỷ USD giá trị nền kinh tế.

“Australia đã phê chuẩn RCEP và đảm bảo rằng, nông dân và doanh nghiệp của chúng tôi để có thể tiếp cận những lợi ích mà Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới đem lại” - ông Tehan cho biết thêm, đồng thời nhận xét RCEP sẽ củng cố mối quan hệ thương mại của Australia và các quốc gia ASEAN và coi đây là tín hiệu cho sự cam kết của nước này đối với cấu trúc kinh tế khu vực do ASEAN dẫn đầu.

Trong khi đó, New Zealand cũng vừa xác nhận đã phê chuẩn Hiệp định RCEP vào ngày 3/11.

“Các doanh nghiệp có thể tận dụng các cơ hội từ RCEP kể từ năm sau” - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao New Zealand - ông Phil Twyford - cho biết.

Trước đó, vào ngày 1/11, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit thông báo nước này đã hoàn tất việc phê chuẩn Hiệp định RCEP và tái khẳng định rằng thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới này sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2022 theo lịch trình.

Theo Vụ trưởng Vụ Đàm phán thương mại Auramon Supthaweethum, Thái Lan sẽ được hưởng lợi từ RCEP trên khía cạnh một thị trường lớn hơn vì RCEP là thị trường thương mại và đầu tư lớn nhất thế giới, bao gồm 15 quốc gia với dân số gần 2,3 tỷ người và tổng GDP là 28.500 tỷ USD vào năm 2020. Khối lượng thương mại của RCEP đạt hơn 10.700 tỷ USD, tương đương 30,3% tổng thương mại toàn cầu vào năm ngoái.

Bộ Thương mại Thái Lan ước tính nước này có tổng cộng 39.366 mặt hàng sẽ được hưởng lợi từ việc giảm thuế, với 29.891 mặt hàng được hưởng mức thuế bằng 0 trong giai đoạn đầu. Phần còn lại dự kiến sẽ giảm dần thuế quan về 0% trong 10-20 năm.

Hiện các nước đã phê chuẩn hiệp định gồm: Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Australia, New Zealand, Nhật Bản và Trung Quốc.

N: congthuong.vn

Cơ quan chủ quản: Sở Công Thương tỉnh Nam Định
Địa chỉ: Số 31- đường Vị Xuyên – TP Nam Định
Số điện thoại đường dây nóng: 02283.640.478; Email: socongthuong@namdinh.chinhphu.vn 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đặng Ngọc Rung - Phó Giám đốc.
Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định số 03/GP-TTĐT-STTTT ngày 26/10/2023.

  
Chung nhan Tin Nhiem Mang