image banner



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Việt Nam sau 2 năm thực thi hiệp định CPTPP
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được kỳ vọng không chỉ thúc đẩy thương mại, giúp các nền kinh tế hội tụ trong một mô hình kinh tế gắn kết để tạo ra môi trường thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, mà còn xóa bỏ các rào cản phi thuế quan và tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài. Đối với Việt Nam, Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày 14/01/2019, đến nay, sau 2 năm thực thi đã bước đầu mang lại những hiệu quả nhất định, song chưa được như kỳ vọng. Do vậy, việc đánh giá và đưa ra những đề xuất, giải pháp nhằm tận dụng và phát huy tốt hiệu quả của CPTPP thời gian tới là việc làm có ý nghĩa quan trọng.
 
Một số đánh giá bước đầu sau 2 năm thực thi Hiệp định CPTPP tại Việt Nam

Đánh giá về tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sang các đối tác sau 2 năm thực thi CPTPP của Việt Nam cho thấy, CPTPP đã bước đầu tạo ra ít nhiều những tác động tích cực trong xuất nhập khẩu của Việt Nam. Cụ thể, năm 2019, xuất khẩu sang 6 nước đã phê chuẩn CPTPP (Mexico, Canada, Australia, New Zealand, Singapore và Nhật Bản) đạt 34,3 tỷ USD, tăng 8,1%. Năm 2020, xuất khẩu sang 6 nước này duy trì ở mức gần tương đương 2019, đạt 34 tỷ USD. Tỷ trọng trong tổng xuất khẩu năm 2018 là 12,02%, năm 2019 là 13% và năm 2020 là 12,02%.

Tín hiệu tích cực nhất đạt được sau khi thực thi CPTPP là việc xuất khẩu sang các thị trường mới trong CPTPP ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng (trong khoảng từ 26%-36%). Cụ thể là ở Mexico và Canada, vốn là 2 thị trường Việt Nam mới có FTA. Năm 2019, xuất khẩu sang Mexico đạt 2,83 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2018; năm 2020 đạt 3,17 tỷ USD, tăng 12,2%... Xuất khẩu sang Canada đạt 3,91 tỷ USD, tăng 29% và lên 4,4 tỷ USD, tăng 12% trong năm 2020 (cao hơn nhiều so với mức tăng xuất khẩu chung 7%).

Tiếp theo đà tăng trưởng đó, đầu năm 2021 cũng nhờ CPTPP, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Canada tăng mạnh, trong đó nổi bật là thủy sản và cà phê, dù dịch bệnh Covid-19 phức tạp. Theo đó, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Canada 2 tháng đầu năm 2021 đạt 35,6 triệu USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tháng 1/2021 đạt 2,8 nghìn tấn, kim ngạch 17,1 triệu USD, tăng 29,1% về lượng và tăng 17% về giá trị kim ngạch so với tháng 1/2020.

 
Việt Nam sau 2 năm thực thi hiệp định CPTPP

Ảnh minh họa: Nguồn internet


 
Theo các chuyên gia, CPTPP đã và đang thể hiện hiệu ứng tốt trong mở đường cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tiến vào châu Mỹ một cách trực tiếp (ở các thị trường mà CPTPP đã có hiệu lực, gồm Canada và Mexico) và cả gián tiếp (thông qua động lực thúc đẩy thương mại song phương với các thị trường mà CPTPP chưa có hiệu lực như Peru, Chile). Tuy đạt được những kết quả tích cực, trong so sánh với mặt bằng chung thì lợi ích từ CPTPP còn khá khiêm tốn. Bởi thực tế, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đi các thị trường CPTPP chỉ đạt 7,2% thấp hơn so với mức 8,4% tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đi toàn thế giới trong cùng thời kỳ của Việt Nam. Hơn nữa, với một số thị trường CPTPP, đà tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn trước khi có CPTPP vốn cũng đã ở mức cao hơn đáng kể so với trung bình xuất khẩu đi các thị trường khác, điều này cho thấy CPTPP dường như chỉ có tác động bổ trợ nào đó cho đà tăng tự nhiên này.

Bên cạnh đó, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam năm 2019 chỉ đạt 1,67%, mức rất thấp không chỉ so với mức trung bình năm 2019 (37,2%) mà còn so với tỷ lệ tận dụng năm đầu tiên của nhiều FTA khác. Tuy nhiên, năm 2020 tín hiệu tích cực là tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP đã được cải thiện, đạt trung bình 4%, riêng với các thị trường mới là Canada và Mexico là 17%.

Đối với một số ngành hàng như: Dệt may, da giày, thủy sản… được kỳ vọng có mức tăng trưởng cao, nhưng thực tế không như vậy. Năm 2019, xuất khẩu da giày đạt 2,1 tỷ USD, tăng 15,1% so với năm 2018, nhưng năm 2020 giảm 12,2%, còn 1,84 tỷ USD. Dệt may từ mức 5,3 tỷ USD của năm 2019, tăng 7,4% so với năm 2018, đến năm 2020 đã giảm 9,6%, còn 4,8 tỷ USD. Thủy sản cũng tương tự, năm 2019 đạt 2,13 tỷ USD, tăng 2,9% so với năm 2018, đến năm 2020 đạt 2,1 tỷ USD, giảm 1,4%.

Các nghiên cứu chỉ ra việc tận dụng ưu đãi thuế quan của dệt may, da giày còn hạn chế do chưa đáp ứng được các tiêu chí xuất xứ hàng hóa bởi sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu ngoại khối. Còn doanh nghiệp thủy sản chưa đáp ứng được yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm và quy định về ghi nhãn hàng hóa, môi trường… Đây cũng là chỉ dấu đáng quan ngại cho thấy khả năng hiện thực hóa các lợi ích xuất khẩu trực tiếp từ Hiệp định CPTPP của Việt Nam còn hạn chế.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khách quan dẫn tới thực tế trên là do các ưu đãi thuế quan CPTPP giai đoạn đầu còn thấp so với ưu đãi của các FTA mà Việt Nam đã có với cùng các đối tác. Cùng với đó, các yêu cầu về quy tắc xuất xứ của CPTPP tương đối phức tạp và khác biệt so với các FTA, đòi hỏi thời gian để tìm hiểu và điều chỉnh sản xuất. Tuy vậy, không thể bỏ qua những hạn chế đáng kể từ góc độ chủ quan trong nhận thức hay năng lực tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp.

Từ góc độ thu hút đầu tư nước ngoài, các đánh giá cho thấy, kết quả năm đầu thực thi CPTPP không mấy khả quan. Năm 2019, Việt Nam thu hút xấp xỉ 9,5 tỷ USD vốn đầu tư từ các nước CPTPP, giảm gần 36% so với năm 2018. Xét theo từng đối tác, đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam có mức giảm sâu nhất về giá trị (từ gần 9 tỷ USD năm 2018 giảm xuống còn hơn 4 tỷ USD năm 2019, tương đương giảm 52%). Năm 2020, kết quả thu hút FDI từ khối CPTPP đã khả quan hơn, đạt 11,8 tỷ USD, tăng 24,4% so với năm 2019 trong bối cảnh tổng vốn đầu tư nước ngoài mà Việt Nam thu hút trong năm này giảm gần 25%. Các chuyên gia cho rằng Hiệp định CPTPP và các FTA đang tạo ra sức hấp dẫn riêng của Việt Nam trong thu hút nguồn vốn FDI chuyển dịch từ Trung Quốc dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tổng kết sau 2 năm thực thi FTA thế hệ mới, lượng vốn FDI từ khối này vào Việt Nam đạt gần 21,3 tỷ USD. Trong đó, vốn từ Singapore đạt gần 13,5 tỷ USD, tiếp đến Nhật Bản 6,5 tỷ USD.

Xét về tốc độ, vốn FDI giảm mạnh từ các nguồn truyền thống như Australia (giảm gần 63%), Malaysia (giảm 50%)… Song điểm sáng trong bức tranh này là vốn FDI từ các đối tác mới trong CPTPP vào Việt Nam (Canada, Mexico) hoặc các đối tác truyền thống nhỏ (Brunei, New Zealand) đã được cải thiện đáng kể trong năm 2019.

Bên cạnh đó, những đánh giá về lợi ích nổi bật mà doanh nghiệp Việt Nam đạt được sau 2 năm thực thi CPTPP theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, bên cạnh những lợi ích từ việc tận dụng được ưu đãi thuế quan từ CPTPP, các doanh nghiệp còn đánh giá cao những thay đổi cơ bản và mang lại hiệu quả tốt từ những cải cách về mặt thể chế hành chính, cũng như những cải cách trực tiếp liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các đối tác trong CPTPP. Các doanh nghiệp đã tìm nhiều cơ hội về hợp tác liên doanh với các đối tác nước ngoài trong CPTPP. Tuy nhiên, kết quả khảo sát của VCCI cũng cho biết, các doanh nghiệp nhìn chung còn khá "mơ hồ" với CPTPP, khi có tới 69% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ mới chỉ nghe nói và biết sơ bộ về CPTPP; chỉ 25% doanh nghiệp được cho có những hiểu biết nhất định và tỷ lệ doanh nghiệp thực sự hiểu rõ về hiệp định này còn là con số ít hơn nhiều. Theo đó, “cứ 20 doanh nghiệp mới có 1 doanh nghiệp biết rõ về các cam kết CPTPP liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình”. Đây được xem là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng 4 doanh nghiệp thì chỉ có 1 doanh nghiệp được hưởng lợi ích thiết thực từ CPTPP.

Cũng từ kết quả khảo sát của VCCI, doanh nghiệp FDI là nhóm hiện đang tận dụng được nhiều hơn các cơ hội ưu đãi thuế quan từ CPTPP, tiếp đến là nhóm doanh nghiệp dân doanh và ít nhất là nhóm doanh nghiệp nhà nước.

Tận dụng tốt hơn các ưu đãi từ Hiệp định CPTPP trong thời gian tới

Từ những đánh giá về các kết quả thực thi hai năm đầu Hiệp định CPTPP, có thể thấy CPTPP đã có những tác động tích cực bước đầu, mang tới những lợi ích thực tế cho một số doanh nghiệp. Mặc dù vậy, những gì đã đạt được còn thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng, trong đó nguyên nhân được kể tới không chỉ từ các biến cố khách quan như tình hình căng thẳng thương mại toàn cầu hay đại dịch Covid-19, mà còn ở các vấn đề chủ quan của cả Nhà nước và các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc hiện thực hóa các cơ hội từ CPTPP còn hạn chế bởi theo các doanh nghiệp nhìn nhận là do sự thua kém về năng lực cạnh tranh, các biến động đầy tính bất định của thị trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn còn gặp một số vướng mắc như: Thiếu thông tin về các cam kết, các hạn chế khác trong tổ chức thực thi Hiệp định CPTPP và các hiệp định thương mại tự do (FTA) của các cơ quan nhà nước... Cùng với đó là một số nguyên nhân kỹ thuật như: Quy tắc xuất xứ, cam kết FTA bất lợi cho doanh nghiệp... Do đó, để việc thực thi CPTPP thời gian tới mang lại hiệu quả thiết thực, Việt Nam cần tiếp tục khắc phục các điểm nghẽn hiện nay như: Thiếu nhân công tay nghề cao; các vấn đề về môi trường ảnh hưởng phát triển công nghiệp hỗ trợ cho dệt may và da giày; doanh nghiệp trong nước còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước khác ngoài CPTPP; một số sản phẩm nông thủy sản chưa bảo đảm được yếu tố chất lượng; cơ sở hạ tầng đường bộ, cảng biển chưa phát triển đồng bộ với tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu; mức độ quan tâm, chủ động của doanh nghiệp còn chưa cao...

Một số đề xuất, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả từ CPTPP thời gian tới:

Chính phủ, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh công tác rà soát tính tương thích và chuẩn bị cho việc xây dựng các quy định pháp luật phù hợp với các cam kết thể chế trong CPTPP. Các Bộ, ngành chịu trách nhiệm dự thảo các văn bản, quy định nội luật hóa cam kết CPTPP để tiến hành triển khai hiệu quả.

Hoạt động phổ biến tuyên truyền về CPTPP trong thời gian tới cần đi vào chi tiết, với các nội dung được thiết kế theo hướng thực tiễn, ngắn gọn, phù hợp với mối quan tâm của từng nhóm đối tượng doanh nghiệp cụ thể. Các chương trình, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp cần tập trung vào các hoạt động thực chất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, xúc tiến thương mại ở tầm quốc gia một cách hệ thống đặc biệt là ở các thị trường mới, cập nhật thông tin thị trường và kết nối cung cầu.

Đối với các doanh nghiệp: Cần chủ động tìm hiểu cơ hội, cam kết CPTPP và hành động hiện thực hóa những lợi ích từ Hiệp định. Nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Đổi mới công nghệ; giảm chi phí sản xuất; tăng sức cạnh tranh không chỉ ở thị trường xuất khẩu, mà còn ở thị trường trong nước; mở rộng hợp tác với các đối tác nước ngoài; tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.

 
Nghiên cứu thị trường, tìm hiểu thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng và thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. Nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu và hình thành các chuỗi giá trị.

Đẩy mạnh liên kết và hợp tác trong kinh doanh để cùng phát triển. Theo đó, thay vì những nỗ lực đơn lẻ kém hiệu quả, doanh nghiệp cần hợp tác để vận động chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó giải phóng sức sáng tạo và hội nhập thành công. Duy trì hoạt động thường xuyên, đảm bảo tận dụng tốt nhất các cơ hội từ quá trình hội nhập CPTPP và các FTA.

Gia nhập Hiệp định CPTPP, bên cạnh việc giúp doanh nghiệp tăng xuất khẩu còn là động lực để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo sức ép về cạnh tranh buộc doanh nghiệp phải nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa và năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp… Bên cạnh đó, theo đánh giá, với CPTPP lợi ích lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt đó là cơ hội để tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường kinh doanh. Cùng với đó, các doanh nghiệp còn có thêm nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu đến các nước thành viên CPTPP. Do đó, tận dụng tốt CPTPP thời gian tới được dự báo sẽ mang lại nhiều hiệu quả, có ý nghĩa quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp Việt trong bối cảnh hội nhập hiện nay./.
N: http://consosukien.vn
Cơ quan chủ quản: Sở Công Thương tỉnh Nam Định
Địa chỉ: Số 31- đường Vị Xuyên – TP Nam Định
Số điện thoại đường dây nóng: 02283.640.478; Email: socongthuong@namdinh.chinhphu.vn 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đặng Ngọc Rung - Phó Giám đốc.
Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định số 03/GP-TTĐT-STTTT ngày 26/10/2023.

  
Chung nhan Tin Nhiem Mang