image banner



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh Nam Định phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội

Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch covid 19 tỉnh Nam Định, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, nhằm chủ động đảm bảo cân đối cung cầu hàng hoá các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân, Sở Công Thương ban hành Kế hoạch “Đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh Nam Định phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội”. Với mục đích nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành trong sản xuất, lưu thông và điều tiết cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường trong công tác phòng chống dịch Covid- 19; Ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo hướng dẫn liên quan đến điều tiết phân phối, cung ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh trong công tác phòng chống dịch Covid-19; Đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm và cung ứng các mặt hàng thiết yếu phòng chống dịch phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh Nam Định phòng chống dịch Covid-19 trong mọi tình huống.

Nhu cầu hàng hóa trên địa bàn

Nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu của người dân trong tỉnh khoảng 1,78 triệu người trong thời gian một tháng gồm 14.000 tấn gạo; 18.000 tấn thịt, cá, thủy hải sản; 27.000 tấn rau, củ, quả; 26,7 triệu quả trứng;…

Hệ thống cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh

Số lượng chợ trên địa bàn tỉnh kinh doanh hàng hóa thiết yếu: 192 chợ, trong đó có 02 chợ đầu mối nông sản (chợ Mỹ Tho, chợ Phạm Ngũ Lão); 190 chợ dân sinh, nguồn lực cung ứng chiếm 60-70% thị phần.

Siêu thị kinh doanh hàng thiết yếu: 05 siêu thị (Big C, Coopmart, Lanchi mart, Countrymart Yên Định, Countrymart Hải Xuân)

Chuỗi cửa hàng tiện lợi kinh doanh mặt hàng thiết yếu (VinMart, Min Mart, Trung tâm Nông sản sạch,…): 65 cửa hàng chủ yếu trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra còn trên 1.000 cửa hàng tạp hóa kinh doanh mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung hệ thống các cơ sở kinh doanh hàng thiết yếu đã phủ khắp các xã, phường, thị trấn đã và đang đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh. Năng lực cung ứng của hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạo hóa chiếm 30-40% thị phần.

Trong trường hợp cần thiết, triển khai các kênh bán hàng đa phương tiện (bán hàng qua website, hotline…), bổ sung thêm các điểm bán hàng lưu động do các đơn vị cung ứng tổ chức phục vụ nhân dân.

Về nguồn cung hàng hóa trong tỉnh: Hiện nay trên địa bàn tỉnh đang có các vùng sản xuất nông nghiệp, cung cấp nông sản thực phẩm. Tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân đạt 93.099 ha. Sản lượng lương thực có hạt đạt trên 500.000 tấn. Trong tháng 8, đàn lợn ước hiện có  636.670 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 10.955 tấn; Đàn gia cầm ước 8.912  con, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 2.723 tấn,  sản lượng trứng gia cầm ước đạt 41,6 triệu quả; đàn trâu, bò ước 37.000 con, sản lượng thịt trâu, bò ước đạt 2.250 tấn. Sản lượng thuỷ sản ước đạt 16.763 tấn. Trong điều kiện bình thường hoặc dịch bệnh không lây lan trên diện rộng, nguồn cung hàng nông sản thực phẩm của tỉnh đáp ứng tốt như cầu tiêu dùng của nhân dân.

Về nguồn cung hàng hóa trong tỉnh từ các tỉnh, thành phố khác: Gạo: Nguồn từ các tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình, Hà Nam, Hưng Yên...; Thịt lợn: Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Hòa Bình; Thịt trâu, bò: Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Hòa Bình, Yên Bái, Nghệ An...;Thịt, trứng gia cầm: Bắc Giang, Hà Nam, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An...; Thủy hải sản tươi, đông lạnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Thuận, Khánh Hòa,...; Rau củ: Sơn La, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng...; Mì tôm, sữa, các sản phẩm chế biến khác: Hưng Yên, Bắc Ninh, Hòa Bình, Tuyên Quang,…

Phương án điều phối hàng hóa đối với từng cấp độ giãn cách

Cấp độ 1: Một số xã, phường, thị trấn thực hiện giãn cách. Đối với cấp độ này, thời gian qua, các huyện và thành phố Nam Định đã triển khai thực hiện và đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho nhân dân trong vùng cách ly. Tình hình cung cầu, lưu thông hàng hóa vẫn bình thường, giá cả ổn định. Qua khảo sát, nắm tình hình ở cấp độ này, địa bàn nông thôn có thể tự cung, tự cấp được khoảng 7 ngày, địa bàn thành phố tự cung, tự cấp được khoảng 5 ngày. Ở các khu vực giãn cách, phong  tỏa, hình thức đi chợ hộ được áp dụng như nhờ người thân, quen ở ngoài khu cách ly mua hộ hoặc tổ covid cộng đồng mua hộ và chuyển đến địa chỉ ghi trên hàng hóa.

Cấp độ 2: Giãn cách một huyện hoặc thành phố Nam Định. Tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trên địa bàn vẫn đáp ứng đầy đủ song có thể xảy ra thiếu hàng cục bộ tại địa bàn cách ly trong một thời gian ngắn nhất định, do số lượng người dân đi mua hàng tăng cao vào một thời điểm. Đặc biệt nếu giãn cách toàn thành phố Nam Định, tâm lý người dân có hoang mang do mật độ dân số ở thành phố cao, người dân thành phố không có điều kiện để dự trữ nông sản, thực phẩm và tự cung tự cấp như người dân nông thôn.

Kịch bản ứng phó:

UBND huyện hoặc thành phố Nam Định phối hợp với Sở Công Thương và các Sở, ngành liên quan triển khai các nội dung: Nắm bắt đầy đủ thông tin, nhu cầu phục vụ nhu yếu phẩm trên địa bàn, các khu vực bị cách ly, phong tỏa để xác định đủ lượng hàng hóa cần phục vụ nhân dân. Đảm bảo tốt phương châm 4 tại chỗ “Chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ, hàng hóa tại chỗ” và 3 sẵn sàng “Chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương”; Chỉ đạo các hệ thống phân phối trên địa bàn cung cấp hàng hóa cho nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa, trong trường hợp hệ thống phân phối trên địa bàn không đáp ứng được, liên hệ với Sở Công Thương để điều phối hàng hóa từ hệ thống phân phối của tỉnh. Thông tin số điện thoại, trang web của các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn để người dân liên hệ mua hàng; Thành lập Tổ tiếp nhận, điều phối nhu yếu phẩm của các xã, phường, thị trấn để thực hiện việc cung ứng hàng hóa cho nhân dân. Chỉ đạo các lực lượng (đoàn thể, tổ dân phố, tổ Covid cộng đồng, lực lượng chức năng: Công an, quân đội, quản lý thị trường,...) hỗ trợ, vận chuyển đưa hàng đến phục vụ nhân dân để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, thống nhất phương pháp điều hành tránh chồng chéo, rối việc không hiệu quả...; Chỉ đạo phương thức giao hàng linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch diễn ra trên từng khu vực, địa bàn, tránh tiếp xúc trực tiếp gần với các đối tượng đang bị cách ly theo quy định; Bố trí các vị trí trung chuyển và các phương tiện vận chuyển hàng hóa để thực hiện giao nhận. Bố trí các địa điểm cho hệ thống bán lẻ chuyển hàng đến phục vụ nhân dân; Chỉ đạo hỗ trợ cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa trên địa bàn, kiểm tra kiểm soát thị trường không để các đối tượng trục lợi do dịch bệnh đầu cơ, găm hàng, tăng giá.

* Trường hợp thiếu hàng cục bộ tại một số điểm bán do nhu cầu mua hàng tăng cao: Thiếu hàng cục bộ tại các điểm bán của hệ thống phân phối: Các doanh nghiệp thực hiện ngay điều tiết trong hệ thống và trên các quầy, kệ tại điểm bán đảm bảo phục vụ nhân dân và triển khai ngay các điểm bán lưu động đã chuẩn bị; Doanh nghiệp điều động các xe chở hàng đến các điểm bán. Trường hợp doanh nghiệp không đủ xe, các địa phương thực hiện huy động phương tiện đã chuẩn bị phối hợp với doanh nghiệp chuyển hàng và tổ chức bán hàng tại điểm bán hoặc báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo điều động phương tiện.

* Trường hợp một số điểm bán (chợ, siêu thị) ngừng kinh doanh do có liên quan đến yếu tố dịch tễ: Thực hiện nhanh công tác truy vết, phun khử khuẩn...liên quan đến công tác phòng chống dịch; tùy theo từng trường hợp cụ thể hướng dẫn các tiểu thương đảm bảo an toàn hàng hóa hoặc cho phép vận chuyển hàng hóa ra ngoài trong thời gian đóng cửa; chỉ đạo các cơ quan y tế đánh giá mức độ an toàn về phòng chống dịch Covid-19 theo quy định để cho phép nhanh chóng mở lại điểm bán hàng; Triển khai ngay các điểm bán lưu động tại khu vực có điểm bán ngừng kinh doanh để đảm bảo phục vụ nhân dân liên tục không để người dân bị khó khăn trong mua sắm hàng hóa thiết yếu; Chỉ đạo các hệ thống phân phối đăng ký tăng thời gian mở cửa phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân nhằm giãn cách người dân không tụ tập mua sắm đông vào một thời điểm nhất định.

Cấp độ 3: Giãn cách cả tỉnh. Tình hình cung ứng lưu thông hàng hóa thiết yếu có thể bị giãn đoạn do tỉnh đang áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ để phòng chống dịch bệnh có nguy cơ lây lan cao trong cộng đồng. Tâm lý người dân trên địa bàn tỉnh rất hoang mang, sẽ xảy ra tình trạng chen lấn nhau đi mua hàng hóa thiết yếu để tích trữ vừa không đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch bệnh, vừa gây khan hiếm hàng cục bộ.

Kịch bản ứng phó:

Các Sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai kịch bản ứng phó ở cấp độ 2, đồng thời tập trung triển khai ngay một số nội dung sau:

- Tăng cường thông tin, tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh của địa phương để nhân dân được biết: Về công tác chuẩn bị, dự trữ lực lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân để tránh tình trạng người dân tụ tập mua gom, tích trữ hàng hàng hóa; địa chỉ bán hàng và khu vực bán hàng lưu động, số điện thoại đầu mối tổ phòng chống dịch Covid 19 cộng đồng, dịch vụ đi chợ hộ, giao hàng nhanh (phải có ít nhất 02 số điện thoại trực 24/24h), tổ chức chính trị xã hội (mặt trận tổ quốc) làm đầu mối tiếp nhận hàng hóa thiết yếu từ nguồn tài trợ, thiện nguyện để điều phối.

- Duy trì hoạt động của các chợ truyền thống hoặc chợ tạm với điều kiện: Chỉ kinh doanh hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu; Có biện pháp kiểm soát tốt mật độ, tần suất người mua bán tại chợ; Tổ chức mua bán theo nguyên tắc một chiều; Bảo đảm số lượng điểm kinh doanh phù hợp, giãn cách giữa người mua và người bán; Xét nghiệm người bán hàng để đảm bảo an toàn phòng dịch.

- Tổ chức phát phiếu đi mua hàng thiết yếu cho người dân theo hướng hạn chế tối đa người dân ra ngoài: đi chợ theo ngày chẵn, lẻ; mỗi tuần đi chợ 02 lần; linh hoạt giao cho một nhóm người đi chợ giúp cho một dong, xóm, ngõ, phố.. với tinh thần giúp đỡ, chia sẻ.

- Triển khai ngay các điểm bán lưu động đã bố trí (nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, các khu vực đất trống), điểm giao dịch của hệ thống Bưu điện, các địa điểm tập kết trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh về.

- Bố trí các khu đất trống cho các tiểu thương trong chợ dân sinh di chuyển địa điểm khi chợ bị dừng hoạt động hoặc cho người dân, doanh nghiệp có nhu cầu bán thực phẩm thiết yếu phục vụ nhân dân trên địa bàn;

- Huy động các Hợp tác xã nông nghiệp, thương mại, vận tải...tham gia cung ứng hàng hóa trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn.

- Chỉ đạo sản xuất, kết nối giữa đơn vị sản xuất với người tiêu dùng thông qua số điện thoại đầu mối vừa để tiêu thụ nông sản đến hạn và cung ứng hàng hóa cho người dân, đặc biệt là các loại rau xanh, củ quả ngắn ngày, nhanh cho thu hoạch, các sản phẩm gia súc gia cầm (thịt gà, vịt, trâu, bò, thủy hải sản,...) cố gắng tự cân đối cung cầu ngay trên địa bàn.

- Trong trường hợp cần thiết báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ điều phối hàng hóa từ các tỉnh, thành phố khác cho tỉnh Nam Định.

Để chuẩn bị tổt cho các phương án có thể xảy ra, Sở Công Thương phải thường xuyên rà soát, cập nhật các Phương án đảm bảo hàng hóa trên cơ sở dự báo, nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh, nhu cầu tiêu dùng và khả năng cung ứng hàng hóa trong và ngoài tỉnh để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố Nam Định triển khai các nhiệm vụ đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ với đại diện Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kết nối cung cầu, tổng hợp, cung cấp thông tin nguồn hàng hóa thiết yếu, nông sản mùa vụ đến các đơn vị phân phối, siêu thị, chợ, cửa hàng thực phẩm trên địa bàn tỉnh để tổ chức khai thác, dự trữ hàng hóa phòng, chống dịch. Chỉ đạo doanh nghiệp phân phối, siêu thị, đơn vị kinh doanh tăng cường biện pháp để khai thác, dự trữ hàng hóa thiết yếu, bố trí đầy đủ phương tiện, nhân lực sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; đẩy mạnh bán hàng qua các ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng online, điện thoại,... Đồng thời, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền đến người tiêu dùng yên tâm không chen lấn mua hàng tích trữ. Phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát việc các quầy hàng thiết yếu trong các chợ đầu mối, chợ dân sinh đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch; bố trí khu vận chuyển hàng hóa trung gian, đảm bảo giãn cách, hạn chế tiếp xúc trực tiếp; chỉ đạo các ban quản lý/tổ quản lý chợ xây dựng phương án cụ thể quản lý số lượng người ra, vào trong chợ cùng một thời điểm; tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thị trường chống hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý...Phối hợp với đầu mối của Bộ Công Thương triển khai thực hiện hỗ trợ điều tiết hàng hóa khi cần thiết. Tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các chương trình bình ổn thị trường: Lập danh sách các doanh nghiệp tham gia cung ứng hàng hóa thiết yếu tham gia chương trình bình ổn thị trường báo cáo UBND tỉnh hỗ trợ về vốn, lãi suất cho các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa, bán hàng bình ổn giá phục vụ nhân dân trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp./.

N: Phòng QLTM

Cơ quan chủ quản: Sở Công Thương tỉnh Nam Định
Địa chỉ: Số 31- đường Vị Xuyên – TP Nam Định
Số điện thoại đường dây nóng: 02283.640.478; Email: socongthuong@namdinh.chinhphu.vn 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đặng Ngọc Rung - Phó Giám đốc.
Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định số 03/GP-TTĐT-STTTT ngày 26/10/2023.

  
Chung nhan Tin Nhiem Mang