image banner



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Thành phố Nam Định - đơn vị tiên phong chuyển đổi số

Là địa phương đầu tiên của tỉnh triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); triển khai chứng thực điện tử; khai sinh, khai tử, kết hôn điện tử… (sớm hơn 5 tháng đối với cấp huyện và 11 tháng đối với cấp xã so với quy định của Chính phủ), hiện nay thành phố Nam Định đã đạt 100% TTHC đủ điều kiện giao dịch trực tuyến toàn trình; trên 70% hồ sơ TTHC được tiếp nhận trực tuyến toàn trình và một phần; gần 50% hồ sơ có phát sinh phí được thanh toán trực tuyến, tổng số tiền thanh toán là gần 250 triệu đồng; 61% TTHC được thực hiện số hóa hoặc trả kết quả bằng văn bản điện tử. Đặc biệt thành phố đã xây dựng thành công mô hình trường học thông minh, hướng tới thông minh hóa toàn bộ hệ thống giáo dục và là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về công tác chuyển đổi số (CĐS) trong 3 năm liên tiếp.

Cán bộ phường Thống Nhất hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến.

 

Để có được thành quả này, bên cạnh thuận lợi là đô thị trung tâm của tỉnh có hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư hiện đại; nhận thức về CĐS của cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp tương đối tốt… thì từ nhiều năm trước, thành phố đã quan tâm đầu tư hệ thống trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Trong đó chú trọng đầu tư, nâng cấp trang thiết bị máy tính, máy in, thiết bị mạng; đầu tư và ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin phù hợp với việc tiếp nhận, theo dõi quá trình xử lý, tra cứu, thống kê, tổng hợp, trả kết quả hồ sơ theo yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Bộ phận văn thư, lưu trữ; hệ thống phòng họp trực tuyến hiện đại đáp ứng yêu cầu các cuộc họp trực tuyến của thành phố với Trung ương, tỉnh và các phường, xã. Đặc biệt sau khi BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 09 chuyên đề toàn khóa về CĐS, Thành ủy đã ban hành chương trình hành động CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. UBND thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện. Trong đó nêu rõ việc tập trung ưu tiên CĐS trong xây dựng chính quyền; các lĩnh vực y tế, giáo dục và kinh tế số để giải quyết nhanh những hạn chế về quy trình làm việc và thời gian giúp người dân nhận thức rõ tính ưu việt của CĐS mà tự giác tương tác theo. Đồng thời phân công rõ nhiệm vụ phải thực hiện của từng cơ quan, đơn vị theo nội dung nghị quyết. Thành phố kiện toàn Ban chỉ đạo về CĐS; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; tổ chức các hội nghị quán triệt, phổ biến đến toàn đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn. Ngoài ra để người dân có thể nắm rõ hơn từng nội dung của CĐS, thành phố tổ chức tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh; tổ chức các lớp tập huấn trực tiếp kỹ năng CĐS cho lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và cử cán bộ trực tiếp đến từng đơn vị phòng, ban, phường, xã để “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn cho từng cán bộ, đơn vị thực hành.

Đối với mỗi lĩnh vực CĐS, thành phố tổ chức xây dựng thí điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi nhân ra diện rộng. Hiện tại ngoài chương trình khung CĐS trong từng lĩnh vực, thành phố đã xây dựng thành công mô hình CĐS tại Trường Tiểu học Trần Nhân Tông; số hóa hồ sơ, kết quả TTHC trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tại Bộ phận “một cửa” của thành phố và Bộ phận “một cửa” của các xã, phường; số hoá tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND phường Lộc Hoà; cải cách hành chính trong lĩnh vực thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác nhận lại dân tộc; xây dựng mô hình phường thông minh tại 2 phường Thống Nhất và Quang Trung; CĐS tại Cụm công nghiệp An Xá… Những mô hình điểm này là cơ sở để thành phố đánh giá, rút kinh nghiệm trong cách đầu tư, tổ chức, điều hành để nhân rộng thành công. Trong đó, mô hình CĐS tại Trường Tiểu học Trần Nhân Tông đã được chứng minh hiệu quả với hơn 20 nội dung hoạt động từ công tác quản lý đến giảng dạy của giáo viên và học tập của các em học sinh. Bộ giải pháp được đánh giá là toàn diện, đồng bộ phù hợp với mô hình trường học. Cơ sở dữ liệu của trường đã được chuẩn hóa, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ với cơ quan quản lý và với các trường học khác cũng như đáp ứng yêu cầu triển khai các dịch vụ mới; đặc biệt với phụ huynh có thể theo dõi được toàn bộ hoạt động của con tại nhà trường. Từ sự thành công vượt trội này, UBND thành phố quyết định nhân rộng đến các trường từ mầm non đến THCS trên địa bàn nhằm sớm phát triển và hình thành mô hình giáo dục thông minh, mô hình trường học số ngay trong năm 2023.

Bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai CĐS, thành phố Nam Định cũng gặp không ít khó khăn về cả nhận thức, tư tưởng và cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Trong đó nhiều cán bộ, công chức địa phương và người dân chưa hiểu rõ về CĐS. Hệ thống trang thiết bị công nghệ thông tin chưa đồng bộ; chưa có sự thống nhất, kết nối các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Việc đảm bảo sóng viễn thông chưa ổn định khiến thao tác giải quyết TTHC tại bộ phận “một cửa” UBND các phường, xã và thành phố còn chậm, thời gian kéo dài gây tâm lý không tốt cho người dân. Việc nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến cũng gặp nhiều khó khăn, do một số người dân chưa nhận thức hết được tiện ích mà dịch vụ công trực tuyến mang lại.

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đẩy mạnh CĐS để xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng nhanh và bền vững dựa trên khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống và phúc lợi của người dân, thành phố Nam Định phấn đấu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành CĐS gắn với các dịch vụ đô thị thông minh. Để tiếp tục đi đầu xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và đô thị thông minh, thành phố mong muốn UBND tỉnh, Ban chỉ đạo CĐS tỉnh quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên thành phố được thực hiện các chương trình thí điểm CĐS của tỉnh; xem xét, hỗ trợ xây dựng đô thị thông minh tại thành phố Nam Định theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; tạo điều kiện, bố trí nguồn lực để hỗ trợ thành phố triển khai thực hiện số hóa, tạo lập Kho cơ sở dữ liệu riêng của mình cũng như trong việc thực hiện CĐS tại các trường học nhằm sớm phát triển và hình thành mô hình giáo dục thông minh, mô hình trường học số trên địa bàn./.

Cơ quan chủ quản: Sở Công Thương tỉnh Nam Định
Địa chỉ: Số 31- đường Vị Xuyên – TP Nam Định
Số điện thoại đường dây nóng: 02283.640.478; Email: socongthuong@namdinh.chinhphu.vn 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đặng Ngọc Rung - Phó Giám đốc.
Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định số 03/GP-TTĐT-STTTT ngày 26/10/2023.

  
Chung nhan Tin Nhiem Mang