Ngày 28 tháng 8 năm 1945,
Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra tuyên cáo về Nội các thống
nhất quốc gia, trong đó có Bộ Kinh tế quốc gia. Ngày 14 tháng 5 năm 1951, Chủ
tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương.
Trong quá trình hình thành,
xây dựng và phát triển, ngành Công Thương đã có những biến đổi quan trọng để
đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ từng thời kỳ cách mạng của đất nước. Năm 1955, Bộ
Công Thương tách ra thành Bộ Công nghiệp và Bộ Thương nghiệp. Năm 1958, Bộ
Thương nghiệp tách ra thành Bộ Nội thương và Bộ Ngoại thương. Năm 1960, Bộ Công
nghiệp tách thành Bộ Công nghiệp nặng và Bộ Công nghiệp nhẹ. Năm 1969, Công
nghiệp nặng tách thành Bộ Cơ khí và Luyện kim, Bộ Điện và Than, Tổng cục Hóa
chất. Năm 1981, Bộ Điện và Than tách thành Bộ Mỏ và Than và Bộ Điện lực, đến
năm 1987 lại nhập thành Bộ Năng lượng. Năm 1988, Bộ Ngoại thương hợp nhất với
một bộ phận của Ủy ban hợp tác kinh tế văn hóa với Lào và Căm-pu-chia thành bộ
Kinh tế đối ngoại. Năm 1990, thành lập Bộ Công nghiệp nặng trên cơ sở hợp nhất
Bộ Cơ khí và Luyện kim, Tổng cục Mỏ và địa chất, Tổng cục Hóa chất, Tổng cục
Dầu khí, Tổng cục Điện tử và Tin học; thành lập Bộ Thương nghiệp trên cơ sở hợp
nhất Bộ Nội thương, Bộ Vật tư và Bộ Kinh tế đối ngoại, đến năm 1991 đổi tên
thành Bộ Thương mại và Du lịch. Năm 1992, Bộ Thương mại và Du lịch được đổi tên thành Bộ Thương
mại. Năm 1995, Bộ Công nghiệp được thành lập trên cơ sở hợp nhất các Bộ Công
nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ và Bộ Năng lượng.
Ngày 31 tháng 7 năm 2007, Quốc
hội khóa XII thông qua Nghị quyết số 01/2007/QH12 hợp nhất Bộ Công nghiệp và Bộ
Thương mại thành Bộ Công Thương hiện nay.
Ngày 02 tháng 10 năm 2008, Thủ
tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 1418/QĐ-TTg lấy ngày 14 tháng
5 hàng năm là “Ngày truyền thống của
ngành Công Thương Việt Nam”.
Sở Công Thương tỉnh Nam
Định được thành lập ngày
01/4/2008 trên cơ sở hợp nhất Sở
Công nghiệp với Sở Thương mại - Du lịch theo Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày
04/02/2008 của Chính phủ và Quyết định số 521/QĐ-UBND ngày 13/3/2008 của UBND
tỉnh Nam Định.
Trải qua quá trình phấn đấu
liên tục, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công
Thương đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, góp phần
quan trọng vào sự nghiệp thống nhất đất nước và xây dựng tỉnh nhà phát triển.
Thành quả xây dựng và phát triển ngành công
nghiệp, thương mại tỉnh nhà đạt được trong 70 năm qua là rất đáng được ghi
nhận. Nhất là những năm gần đây, giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức lưu
chuyển hàng hóa bán lẻ và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh có những bước phát triển
đáng kể, tăng cao theo từng giai đoạn. Dù ở bất cứ giai đoạn nào, với tên gọi có thể không giống nhau, ngành Công
Thương luôn tiên phong, khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế đất
nước, tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Tự hào về sự phát triển của ngành và
khẳng định ngành Công Thương là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế có những
đóng góp quan trọng và tích cực trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
đất nước.