image banner



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Công tác chuẩn bị lực lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Năm 2023, kinh tế trong nước mặc dù đã có những tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong phục hồi kinh tế do ảnh hưởng từ các vấn đề bất ổn lớn về kinh tế, chính trị trên thị trường thế giới. Giá cả nhiều loại mặt hàng thiết yếu biến động thường xuyên, các loại vật liệu xây dựng, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, lương thực, thực phẩm... có xu hướng biến động và tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, đời sống của nhân dân.

Từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn là thời kỳ cao điểm mua sắm Tết của người dân. Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, người dân sẽ cân nhắc, ưu tiên lựa chọn các mặt hàng bình dân, thiết yếu, có giá cả phải chăng thay vì chi tiền cho các mặt hàng cao cấp. Để kích cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp đã chủ động nguồn cung các mặt hàng thiết yếu từ rất sớm cùng với kế hoạch triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhiều sản phẩm, nhất là trong tháng cận Tết nên dự báo sức mua từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn có thể tăng khoảng 10%.

Để chuẩn bị nguồn cung hàng hóa trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, ngày 30/10/2023Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-BCT đề nghị các địa phương, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa và xử lý các biến động bất thường của thị trường.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh, Sở Công Thương Nam Định đã ban hành văn bản số 1688/SCT-QLTM ngày 04 tháng 12 năm 2023 đề nghị UBND các huyện, thành phố Nam Định, các Sở, ngành liên quan phối hợp chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo dõi đánh giá tình hình thị trường, chuẩn bị tốt lượng hàng hoá đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Đồng thời, để chủ động kiểm soát, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Nam Định đã xây dựng Kế hoạch số 75/KH-BCĐ ngày 19/12/2023 về Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

UBND các huyện, thành phố Nam Định đã chỉ đạo, động viên, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất và kinh doanh các loại hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán; khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đưa hàng hóa phục vụ nhân dân tại địa bàn nông thôn; xây dựng kế hoạch tổ chức các chợ hoa xuân; chỉ đạo các Ban quản lý, Tổ quản lý chợ tăng cường công tác tuyên truyền, h­ướng dẫn các hộ kinh doanh sắp xếp hàng hoá, phòng chống cháy nổ, thực hiện việc bán hàng văn minh lịch sự, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trong và quanh khu vực chợ.

Các cơ quan truyền thông của tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp nhằm nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật của các tổ chức, cá nhân; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh. Các thông tin về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, công tác quản lý an toàn thực phẩm, thông tin các điểm bán hàng thực phẩm an toàn cho người dân địa phương, việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh…liên tục được đăng tải, cập nhật trên Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Nam Định và các trang fanpage Facebook “Đất Thiên Trường”, nhóm Facebook “Nam Định trong tôi” của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Cho đến thời điểm hiện tại, hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán dồi dào, phong phú, giá bán các mặt hàng tương đối ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến.

Sở Công Thương đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố Nam Định tiến hành khảo sát, dự tính nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn. Căn cứ tình hình sản xuất kinh doanh, diễn biến thị trường, sức mua và kinh nghiệm, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hoá tăng từ 20% so với các tháng trong năm để kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tồn kho sau Tết.

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh trên cơ sở kinh nghiệm của những năm trước đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán. Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi triển khai rất nhiều chương trình, giảm giá, khuyến mại, cải tiến chất lượng, đa dạng mẫu mã hàng hoá, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu, góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đồng thời trang trí và mở thêm các điểm bán hàng, kéo dài thời gian bán hàng, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm, ăn nghỉ, vui chơi của nhân dân. Thường xuyên theo dõi diến biến thị trường để chủ động có phương án xử lý những biến động đối với một số mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết.

Theo kế hoạch, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhóm hàng phục vụ Tết Nguyên đán như bánh mứt kẹo, chè, thuốc lá, rượu bia, giò chả, nông sản chế biến,… với tổng giá trị khoảng 1.500 tỷ đồng. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng dự kiến dự trữ mặt hàng xăng dầu, LPG với giá trị khoảng 300 tỷ đồng.

Đối với các chợ - là kênh phân phối truyền thống, các Ban quản lý, Tổ quản lý chợ đã chủ động xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh tại các chợ chuẩn bị hàng hóa để đưa ra tiêu thụ trên thị trường đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu trong dịp Tết cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, Tết năm nay, thị trường chợ truyền thống không sôi động như những năm trước do hình thức mua sắm trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử ngày càng được ưa chuộng, giá cả cạnh tranh.

Thống kê sơ bộ, đến cuối tháng 01 năm 2024, lượng hàng hóa phục vụ Tết đã được một số đơn vị, doanh nghiệp chuẩn bị cung ứng trên địa bàn toàn tỉnh, bao gồm: 835 tấn gạo các loại; 37 tấn thịt lợn, bò, gà; 127 tấn bánh kẹo; 320 tấn đường ăn; 53 nghìn thùng bia; 8,3 nghìn chai rượu; 147 nghìn cây thuốc lá; 12 tấn chè; 25 nghìn m3 xăng; 15 nghìn m3 dầu các loại; 1,5 nghìn tấn LPG… đảm bảo chất lượng để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân với giá cả hợp lý.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vẫn có thể xảy ra tình trạng biến động cục bộ về cung cầu, giá cả. Hàng hoá kém chất lượng, hàng đóng gói sẵn không đủ về trọng lượng, hàng nhập lậu, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm quy định ghi nhãn mác có thể vẫn xuất hiện ở khu vực nông thôn, xa khu trung tâm huyện, thị trấn.

Sở Công Thương đề nghị các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn, đặc biệt đối với những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kê khai giá; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại, hoạt động đầu cơ tích trữ các mặt hàng phục vụ Tết gây xáo trộn thị trường trong tỉnh, xử lý nghiêm, có tính chất răn đe, kể cả việc thu hồi giấy phép kinh doanh hoặc chuyển cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về giá, chất lượng sản phẩm, hành vi đầu cơ, găm hàng đưa tin đồn thất thiệt…nhằm bảo vệ quyền lợi người sản xuất và tiêu dùng, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Nguồn: Phòng Quản lý Thương mại

Cơ quan chủ quản: Sở Công Thương tỉnh Nam Định
Địa chỉ: Số 31- đường Vị Xuyên – TP Nam Định
Số điện thoại đường dây nóng: 02283.640.478; Email: socongthuong@namdinh.chinhphu.vn 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đặng Ngọc Rung - Phó Giám đốc.
Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định số 03/GP-TTĐT-STTTT ngày 26/10/2023.

  
Chung nhan Tin Nhiem Mang