image banner



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Tình hình thị trường, công tác chỉ đạo kinh doanh trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
  

      Để đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Sở Công Thương đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố Nam Định tiến hành khảo sát, dự tính nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn. Căn cứ tình hình sản xuất kinh doanh, diễn biến thị trường, sức mua và kinh nghiệm, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hoá tăng từ 30-50% so với các tháng trong năm để kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tồn kho sau Tết.

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh trên cơ sở kinh nghiệm của những năm trước đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán. Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi triển khai rất nhiều chương trình, giảm giá, khuyến mại, cải tiến chất lượng, đa dạng mẫu mã hàng hoá, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu, góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đồng thời trang trí và mở thêm các điểm bán hàng, kéo dài thời gian bán hàng, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm, ăn nghỉ, vui chơi của nhân dân. Thường xuyên theo dõi diến biến thị trường để chủ động có phương án xử lý những biến động đối với một số mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết.

Theo kế hoạch, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhóm hàng phục vụ Tết Nguyên đán như bánh mứt kẹo, chè, thuốc lá, rượu bia, giò chả, nông sản chế biến… với tổng giá trị khoảng 1.500 tỷ đồng. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng dự kiến dự trữ mặt hàng xăng dầu, LPG với giá trị khoảng 300 tỷ đồng.

Đối với các chợ - là kênh phân phối truyền thống, các Ban quản lý, Tổ quản lý chợ đã chủ động xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh tại các chợ chuẩn bị hàng hóa để đưa ra tiêu thụ trên thị trường đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu trong dịp Tết cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, Tết năm nay, thị trường chợ truyền thống không sôi động như những năm trước do tình hình kinh tế khó khăn đã khiến người tiêu dùng cân nhắc lựa chọn những sản phẩm có uy tín, giá cả hợp lý với mục đích chi tiêu rõ ràng. Bên cạnh đó, những năm gần đây, thói quen mua sắm của người tiêu dùng dần thay đổi, chuyển từ mua hàng trực tiếp sang mua hàng trực tuyến thông qua mạng xã hội hoặc trên các sàn thương mại điện tử. Do đó, sức mua hàng hóa Tết tại chợ cũng giảm hơn.

Các cơ sở bán lẻ mặt hàng phục vụ tiêu dùng Tết đã chủ động nhập hàng với số lượng vừa phải trong bối cảnh kinh tế năm nay khó khăn. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã đưa ra thị trường nhiều mặt hàng và không tăng giá nhằm chia sẻ khó khăn với người dân. Các sản phẩm bánh, mứt, kẹo của Việt Nam có chất lượng, mẫu mã đẹp, giá thành phải chăng, giúp người dân tiết kiệm chi phí. Qua khảo sát của một số địa điểm kinh doanh mặt hàng Tết tại thành phố Nam Định, đến chiều 30 Tết, các cơ sở kinh doanh đã tiêu thụ gần hết các mặt hàng.

Khu vực bán hoa xuân, cây cảnh tại tuyến đường Trần Hưng Đạo kéo dài, diễn ra khá sôi động, đa dạng, phong phú về chủng loại. Năm nay, ngoài các loại hoa, cây cảnh truyền thống như: đào, quất, cúc đại đoá, cúc mâm xôi…, giá cả ổn định, không tăng so với năm ngoái, thị trường cũng phục vụ những loại hoa được ưa thích trong dịp Tết những năm gần đây như địa lan, lan hồ điệp với giá bán khá cao. Tại trung tâm thị trấn trên địa bàn các huyện cũng có khu vực riêng bày bán các loại hoa, cây cảnh rất dồi dào, phong phú giá cả hợp lý. Bên cạnh đó, nghề trồng quất cảnh, đào thế tại xã Nam Phong, thành phố Nam Định và xã Nam Mỹ, huyện Nam Trực ngày càng phát triển mạnh mẽ, thu hút khách từ trong và ngoài tỉnh đến lựa chọn và mua cây cảnh mỗi dịp Tết đến xuân về, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Năm 2023, kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, suy thoái kinh tế và lạm phát cao vẫn diễn ra ở nhiều nước; an ninh năng lượng, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng rất lớn đến thị trường giá cả hàng hóa; cùng với đó, những căng thẳng địa chính trị kéo dài và chính sách thắt chặt tiền tệ ở các nước. Tuy nhiên, vào mỗi dịp Tết đến xuân về, theo truyền thống tốt đẹp của dân tộc, người dân vẫn chuẩn bị ăn Tết đủ đầy với gia đình và mua sắm quà tặng, biếu họ hàng, bạn bè.

Tình hình thị trường, cung cầu hàng hóa phục vụ dịp Tết ổn định với lực lượng hàng hóa dồi dào, đa dạng, phong phú đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Giá cả hàng hoá nhìn chung ổn định, chỉ tăng nhẹ ở một số mặt hàng thực phẩm như gà lễ, giò, chả, hoa quả, rau xanh, hoa phục vụ trang trí và lễ Tết.

Điện lực tỉnh Nam Định đã đảm bảo cung cấp điện liên tục và ổn định cho sản xuất kinh doanh các mặt hàng phục vụ Tết và cho nhân dân trong suốt dịp Tết. Công tác bảo vệ an toàn phòng chống cháy nổ tại các nơi công cộng, khu dân cư, khu vui chơi, giải trí, nơi tổ chức lễ hội tại địa phương được thực hiện nghiêm túc, không có sự cố lớn về nguồn và lưới điện, không phải thực hiện cắt giảm điện ảnh hưởng tới người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Nguồn: Phòng Quản lý Thương mại

            

Cơ quan chủ quản: Sở Công Thương tỉnh Nam Định
Địa chỉ: Số 31- đường Vị Xuyên – TP Nam Định
Số điện thoại đường dây nóng: 02283.640.478; Email: socongthuong@namdinh.chinhphu.vn 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đặng Ngọc Rung - Phó Giám đốc.
Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định số 03/GP-TTĐT-STTTT ngày 26/10/2023.

  
Chung nhan Tin Nhiem Mang